Bất chấp áp lực tỷ giá gia tăng, giới chuyên môn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đủ công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất.
Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2023 đến nay, tỷ giá USD/VND chịu áp lực gia tăng do đồng USD trên thị trường quốc tế tăng trở lại, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và có xu hướng tăng lãi suất điều hành và giữ lãi suất ở mức cao, trong khi đó lãi suất VND giảm và ngày càng thấp khá xa so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, từ đó gây áp lực lên tỷ giá VND.
Trong báo cáo nhanh về thị trường tiền tệ vừa công bố, các chuyên gia thuộc CTCK ACB (ACBS) đánh giá, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng hết sức dồi dào, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn của VND trên thị trường này thấp kỷ lục. Chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi USD và tiền gửi VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức 3,0 - 3,5% trong một thời gian dài, theo chiều hướng có lợi cho USD. Điều này góp phần đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên.
Bên cạnh đó, Chỉ số DXY tăng giá mạnh, tăng 6,5% trong 4 tháng (kể từ Tháng 7/2023), trước triển vọng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục vững mạnh trong khi phần còn lại của Thế giới đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm hoặc thậm chí suy thoái. Từ đó, đã tạo ra làn sóng rút tiền từ các thị trường mới nổi và cận biên cũng như rút tiền khỏi các tài sản tài chính rủi ro, gia tăng tỷ trọng mua USD và tập trung vào các quỹ tiền gửi.
Trước bối cảnh đó đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng về, nhằm mục đích tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường này. Từ đó, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp lại. Kết quả là, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng có thể hạ nhiệt hoặc ổn định phần nào.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng áp dụng phương án này, số dư Tín phiếu tại ngày 24/10 đang là 233 nghìn tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh (kỳ hạn qua đêm: từ 0,14% lên 2,10%, kỳ hạn 1 tháng từ 1,03% lên 3,00%), nhưng tỷ giá USD/VND cũng tiếp tục xu hướng tăng, với tỷ giá bán USD tại Vietcombank đạt 24.735 VND/USD tại ngày 24/10/2023 (+4,24% từ đầu năm đến nay, +1,12% so với tháng trước).
ACBS cho biết, thực tế là, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu tiệm cận lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng trên thị trường 1 (huy động khu vực tổ chức và dân cư). Do đó, nếu mức lãi suất này tăng thêm nữa và duy trì một thời gian, sẽ có thể thúc đẩy các ngân hàng quay trở lại tăng lãi suất huy động tiết kiệm. Từ đó tạo ra hiệu ứng domino trên hệ thống.
Trong khi đó, tỷ giá đã tăng mạnh trong thời gian qua (+1,12%) và chỉ còn cách đỉnh 24.888 năm 2022 không xa. “Do vậy, bất kỳ một sự biến động tăng nào của lãi suất hoặc tỷ giá trong những ngày tới, cũng có thể dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng thêm các chính sách mới nhằm đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng”, các chuyên gia của ACBS nhận định.
Dẫu vậy, các chuyên gia ACBS cũng tin rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất. Lý giải cho nhận định này, đó là: Nguồn cung tương đối dồi dào từ các hoạt động xuất nhập khẩu, FDI, FII và kiều hối. Trong khi đó, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biển. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thặng dư 21,6 tỷ USD, dịch vụ thâm hụt 6,7 tỷ USD, vốn FDI giải ngân 15,9 tỷ USD, lượng kiều hối 9 - 10 tỷ USD.
Theo ACBS, trong ngắn hạn, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra 2 giải pháp. Một là, để số dư Tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng. Từ đó, thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Mục đích cuối cùng đó là, lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 các kỳ hạn 1-3 tháng nhưng không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.
Trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua Tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng và lãi suất vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng phương án bản kỳ hạn USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang. Đây là giải pháp thứ 2 được ACBS nêu.
“Các giải pháp trên đây có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý IV/2023. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối cùng, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh OMO”, ACBS nhận định.
Trong báo cáo vừa công bố, CTCK BVSC cũng nhận định nguyên nhân khiến tỷ giá tăng thời gian qua là Chỉ số đồng DXY gia tăng sức mạnh và chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Tuy vậy, VND vẫn đang được hỗ trợ nhờ các yếu tố tích cực như thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm đạt 21,68 tỷ USD, đồng thời lượng kiều cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp tăng nguồn cung USD cho thị trường. Bên cạnh đó, với việc FED được dự báo sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất trong cuối năm nay, BVSC cho rằng áp lực tỷ giá sẽ không quá căng thẳng như giai đoạn cuối năm ngoái.
Cùng chung quan điểm, CTCK MB (MBS) cũng chỉ ra một vài yếu tố vĩ mô tích cực hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá thời gian tới, như: Thặng dư thương mại 9 tháng năm 2023 ước đạt 21,6 tỷ USD, lượng kiều hối dư kiến đạt 14 tỷ USD trong năm 2023, FDI thực hiện hoặc giải ngân của Việt Nam đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 9 với mức tăng của 9 tháng là 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 15,9 tỷ USD… sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá vào cuối năm. “Chúng tôi giữ nguyên dự báo tỷ giá VND/USD có thể giao động trong khoảng 24.300 - 24.500 VND/USD trong những tháng cuối năm, với giả định FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 11/2023 trong khi Việt Nam duy trì lãi suất thấp”, CTCK MBS dự báo.