Theo báo cáo hoạt động giám sát Basel III mới nhất, tỷ lệ vốn Basel III ban đầu đối với nhóm các ngân hàng lớn nhất toàn cầu phần lớn ổn định và cao hơn mức trước đại dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2023.
Tỷ lệ đòn bẩy tăng hơn ở châu Âu sau khi giảm ở tất cả các khu vực trong thời kỳ đại dịch. Trong cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng lớn có hoạt động quốc tế tăng lên mức kỷ lục, 279 tỷ EUR (304 tỷ USD).
Báo cáo, dựa trên dữ liệu tính đến ngày 30/6/2023, đã nêu các tác động của khuôn khổ Basel III đối với các ngân hàng nhóm 1 và nhóm 2, bao gồm việc hoàn tất các cải cách Basel III vào tháng 12/2017 và việc hoàn tất khuôn khổ rủi ro thị trường vào tháng 1/2019.
Việc thực hiện các yêu cầu tối thiểu (bản cuối cùng) của Basel III bắt đầu vào ngày 1/1/2023. Trong nửa đầu năm 2023, tác động trung bình của khuôn khổ Basel III (bản cuối) đầy đủ các giai đoạn đối với vốn yêu cầu vốn cấp 1 tối thiểu (MRC) của các ngân hàng nhóm 1 là +4,9%, so với +3,1% vào cuối tháng 12/2022. Các ngân hàng nhóm 1 báo cáo tổng mức thiếu hụt vốn pháp định lên tới 4,0 tỷ EUR (4,3 tỷ USD), so với mức thiếu hụt 3,0 tỷ EUR (3,2 tỷ USD) vào cuối tháng 12/2022 .
Hoạt động giám sát cũng thu thập dữ liệu ngân hàng về các yêu cầu thanh khoản của Basel III. Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản trung bình có trọng số (LCR) đã tăng so với kỳ báo cáo trước đó lên 138,6% đối với các ngân hàng nhóm 1, vượt mức trước đại dịch. 3 ngân hàng nhóm 1 báo cáo LCR dưới mức yêu cầu tối thiểu 100%.
Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) trung bình có trọng số giảm xuống 124,1% đối với các ngân hàng nhóm 1. Tất cả các ngân hàng đều báo cáo NSFR trên mức yêu cầu tối thiểu là 100%.
Được biết, Ủy ban Basel cũng vừa đưa ra tài liệu tham vấn về việc sửa đổi khung đánh giá ngân hàng quan trọng đối với hệ thống toàn cầu (G-SIB) nhằm giảm thiểu hành vi "làm đẹp” báo cáo của một số ngân hàng.
Hành vi này nhằm tạm thời giảm “dấu ấn hệ” can thiệp vào hệ thống của ngân hàng trong khoảng thời gian tham chiếu được sử dụng để báo cáo và công bố điểm số G-SIB.
Như Ủy ban đã lưu ý trước đây, việc các ngân hàng làm đẹp báo cáo, số liệu là không thể chấp nhận được. Hành vi như vậy làm suy yếu các mục tiêu chính sách dự kiến theo tiêu chuẩn của Ủy ban và có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của thị trường tài chính.
Các sửa đổi được đề xuất nhằm mục đích hạn chế khả năng của các ngân hàng trong việc hạ điểm G-SIB của họ thông qua việc thay đổi số liệu. Điều này sẽ đạt được bằng cách yêu cầu các ngân hàng tham gia hoạt động đánh giá G-SIB để báo cáo và công bố hầu hết các chỉ số G-SIB dựa trên giá trị trung bình trong năm báo cáo, thay vì giá trị cuối năm.
Ủy ban hoan nghênh các ý kiến đóng góp vào quá trình tham vấn từ các bên liên quan. Các nhận xét phải được gửi lại trước ngày 7/6/2024. Tất cả các nhận xét sẽ được công bố trên trang web của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) trừ khi có yêu cầu được xử lý như thông tin bí mật.