Thứ Năm, 24/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đề xuất hình thành mô hình ngân hàng số từ các ngân hàng thương mại là thành viên trung tâm tài chính, bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2026 là chưa phù hợp về lộ trình.
Tại dự thảo mới nhất (Dự thảo 12) Nghị quyết về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hình thành mô hình ngân hàng số từ các ngân hàng thương mại là thành viên trung tâm tài chính, bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2026.
Góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, NHNN cho rằng việc hình thành ngân hàng số nên được thực hiện từ ngày 1/1/2027, thay vì thời điểm 1/1/2026 như dự thảo hiện tại.
Với lộ trình áp dụng chuẩn mực Basel III, NHNN không đồng tình với đề xuất triển khai từ ngày 1/1/2026 như tại dự thảo Nghị quyết vì cho rằng lộ trình áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về ngân hàng tại trung tâm tài chính cần phù hợp với lộ trình đang được xây dựng áp dụng cho các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trường hợp cần áp dụng ngay, NHNN đề nghị quy định rõ lộ trình áp dụng Basel III cho các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu triển khai tại trung tâm tài chính từ ngày 1/1/2026 và đây được coi là điều kiện khi gia nhập trung tâm tài chính (điều kiện cấp phép thành lập).
NHNN mong muốn giao thẩm quyền quy định về lộ trình cho Chính phủ, NHNN hướng dẫn cụ thể tại Nghị định, Thông tư để linh hoạt.
Dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trung tâm tài chính là khu vực có đối tượng điều chỉnh khác biệt so với các chính sách chung của quốc gia. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ lại các đề xuất nói trên để đảm bảo áp dụng đồng bộ các chính sách để phát triển trung tâm tài chính.
Cùng với đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có trụ sở tại trung tâm tài chính không bị áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong trung tâm tài chính hoặc dịch vụ xuyên biên giới.
Tuy nhiên, NHNN cho biết quy định này liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam, do đó, cần được rà soát thêm để hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.
Cũng liên quan đến dự thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech). Các giao dịch bằng tài sản mã hóa và tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ chính thức được triển khai từ ngày 1/7/2026.
Về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết hiện nay chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Việc triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính, để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp ý kiến Ngân hàng Nhà nước, vì theo chính sách này, tài sản mã hóa, tiền mã hóa được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch tài chính.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra đề xuất các cán bộ quản lý, nhà khoa học và chuyên gia có trình độ cao sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập phát sinh tại trung tâm tài chính nhằm thu hút nhân tài quốc tế đến làm việc, tạo giá trị lớn hơn và nâng cao thu nhập cho người lao động.. Đối với các nhóm đối tượng khác làm việc tại cơ quan quản lý hoặc các thành viên thuộc trung tâm tài chính, thu nhập chịu thuế phát sinh sẽ được miễn thuế đến hết năm 2035 và giảm 50% trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, góp ý với đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng điều này có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa ngành tài chính và các ngành khác, gây bất bình đẳng xã hội. Cơ quan này cho rằng việc đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân cho tất cả lao động tại trung tâm tài chính là không hợp lý và quá dàn trải, vì không phải mọi lao động đều thuộc nhóm cần thu hút đặc biệt. Mặt khác, ưu đãi có thể làm suy giảm vai trò của thuế thu nhập cá nhân trong việc điều tiết và phân phối lại thu nhập, đồng thời gia tăng chênh lệch thu nhập trong xã hội.
Sau góp ý của Bộ Tài chính, phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ quan điểm rằng chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo cạnh tranh với các trung tâm tài chính khu vực nhằm thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế, cơ quan này vẫn đề nghị tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung ưu đãi như đã nêu trong dự thảo.