Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Ưu tiên ngân sách ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh

PV 26/07/2023 07:46

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách tài khóa, ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực này và sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế nhằm thực hiện cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

3111111111-9538.jpg
Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: internet

Ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế cac-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về nội dung này như: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, Việt Nam đã có những quy định về ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện bảo vệ môi trường. Theo Bộ Tài chính, hằng năm, ngân sách nhà nước bố trí chi sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, việc chi ngân sách nhà nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường được trải rộng ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, được thực hiện trực tiếp thông qua một số chương trình, dự án chuyên biệt hoặc lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng cũng là một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thông qua nhiều hình thức. Trong đó, sẽ đổi mới cơ chế quản lý, tăng dần và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, ứng dụng cách tiếp cận dựa vào thị trường trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phân bổ sử dụng nguồn lực tài nguyên theo cơ chế thị trường; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai áp dụng các công cụ kinh tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cơ chế tài chính khác cũng được nghiên cứu triển khai như: phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường các-bon, các hình thức đối tác công tư (PPP), tín dụng xanh, trái phiếu xanh; tiếp tục triển khai thực hiện xã hội hóa để huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách.

Các ưu tiên ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh cũng tiếp tục được triển khai. Trong đó, tiếp tục cân đối chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tối thiểu bằng 1% tổng chi ngân sách nhà nước; Thực hiện lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, cũng như huy động các nguồn lực tài chính trong nước, ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên ngân sách ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO