Bất động sản

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thanh Hải 12/05/2023 07:00

Chiều ngày 11/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân.

dat-dai.jpg
Quang cảnh phiên họp

Các vấn đề nhận được sự quan tâm của nhân dân

Trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết việc, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với trên 1,23 triệu lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với trên 1 triệu lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với trên 1,03 triệu lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với trên 1 triệu lượt ý kiến.

“Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết.

Về các nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật đã điều chỉnh quy định Điều 17 theo hướng Thủ tướng Chính phủ ban hành khung Chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Dự thảo Luật đã bổ sung tại Điều 32 quy định người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm phải nộp.

Đồng thời, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định các nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh tại Chương V mà sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quy hoạch và đề xuất sửa đổi một số điều khoản của Luật Quy hoạch tại Điều 245.

Về thu hồi, trưng dụng đất, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của Nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.

Dự thảo Luật cũng đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất. Đồng thời Dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung thời hạn sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản. Quy định thời hạn sử dụng đất đối với các trường hợp dự án thời hạn hoạt động trên 50 năm theo quy định của Luật Đầu tư; thời hạn cho thuê đất công ích là 10 năm...

Trên cơ sở tiếp thu kiến ý kiến của Nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị: Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn; trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan thẩm tra các dự án Luật này phối hợp với Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rà soát, thống nhất quy định với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp thực tế và đồng bộ với các Luật khác

Trình bày báo cáo Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 10/5/2023, Ủy ban Kinh tế (UBKT) đã có Báo cáo đầy đủ số 1848/BC-UBKT15 thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo Tờ trình số 136/TTr-CP ngày 25/4/2023 của Chính phủ.

Thẩm tra một số nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về áp dụng pháp luật (Điều 4); bổ sung, làm rõ quy định về quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 3 Điều 32, Điều 34 và Điều 35), bảo đảm phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V), Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh sửa quy định tại khoản 9 Điều 56 theo hướng chỉ quy định nguyên tắc cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời như Nghị quyết số 61/2022/QH15; đồng thời, bổ sung nguyên tắc quy hoạch cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn để bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu do quy hoạch sử dụng đất cấp trên phân bổ.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 75), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất: Cơ bản tán thành quy định tại dự thảo Luật như Chính phủ đã trình; đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng. Loại ý kiến thứ hai: Cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như dự thảo Luật, chưa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc quy định điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai. “Thường trực Ủy ban kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ hai và xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.

Đối với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương XII), Ủy ban kinh tế đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi.

Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi cần tính toán để điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư. Tiếp tục rà soát để quy định thống nhất theo hướng “bồi thường” bao gồm các khoản Nhà nước phải chi trả để bù đắp cho thiệt hại cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất; “hỗ trợ” là những khoản mà Nhà nước chi trả thêm để hỗ trợ thêm cho người bị thu hồi đất.

Thẩm tra quy định về phát triển quỹ đất (Chương VIII), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là Chương mới của dự thảo Luật, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về định hướng chính sách về phát triển quỹ đất bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đã có Báo cáo đánh giá tác động nhưng chưa cụ thể.

Thẩm tra quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất (Mục 2 Chương IX), Ủy ban kinh tế đề nghị nghiên cứu, xem xét trong tổng thể, rà soát kỹ lưỡng các quy định có liên quan tại Điều 75, Điều 108, Điều 121, Điều 122 và Điều 123 dự thảo Luật để quy định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí, trường hợp thực hiện đấu giá, đấu thầu, không đấu giá, không đấu thầu và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ với pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan đến sử dụng đất.

Rà soát kỹ lưỡng Điều 120 dự thảo Luật để hạn chế tối đa các trường hợp không đấu giá, không đấu thầu quyền sử dụng đất; bảo đảm phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Rà soát, làm rõ các tiêu chí, điều kiện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Điều 121; nghiên cứu quy định theo hướng: thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất thuộc Quỹ đất để thực hiện các dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Quy định rõ về phương thức giao đất, cho thuê đất trong trường hợp: dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha tại khu vực nông thôn và dưới 05 ha tại khu vực đô thị…

Đối với quy định về tài chính về đất đai, giá đất (Chương XI), trong đó các khoản thu ngân sách từ đất đai, Ủy ban kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo về lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa đúng và đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ban soạn thảo rà soát pháp luật có liên quan đến trình tự xác định giá đất cụ thể như: đấu thầu chọn tư vấn, thẩm định kết quả… để bảo đảm tính khả thi của quy định tại khoản 4 Điều 151 về ban hành quyết định giá đất trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất, đồng thời bảo đảm chất lượng của kết quả định giá đất; nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý trong trường vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO