Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn

Thanh Hải| 15/05/2020 16:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, trong phiên họp sáng ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt tương đối đồng bộ mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, có thêm 02 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 04 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.

Báo cáo cũng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020. Đó là số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao; một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý…

“Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn về nguyên nhân tiến độ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Một số ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng, không bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong quý I/2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Nhiều lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh. Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng phụ trợ nông nghiệp; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh…

Về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng thiết yếu tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng.

Về đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Về xuất khẩu. Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.

Về giáo dục, đào tạo. Nhiều ý kiến quan tâm đến việc thay đổi kế hoạch dạy học, khung thời gian năm học và đề nghị đánh giá khách quan chất lượng giảng dạy, học tập, nhất là học trực tuyến; làm rõ việc thu học phí, phụ phí trong thời gian học sinh học trực tuyến; làm rõ khó khăn của cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là cấp mầm non; phương thức lựa chọn và giá sách giáo khoa mới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cả trong ngắn hạn và hướng tới dài hạn, có thể kể đến như: Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020; tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch.

Các giải pháp tiếp theo được nhắc đến như: tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương…; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn…

Cùng với đó là khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO