Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức sáng ngày 13/5, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) để kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng lưu ý đánh giá rõ tác động, có các giải pháp điều hành ngân sách bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách, cân đối ngân sách.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
"Việc thực hiện theo phương án này góp phần đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại phiên họp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc giảm thuế GTGT dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá về tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
“Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân", Bộ trưởng bày tỏ.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Quốc hội Nguyễn Vân Chi, việc giảm thuế GTGT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn. Do đó, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bù đắp khoản giảm thu này để bảo đảm cân đối NSNN năm 2023…
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội nêu, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, dự thảo của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm thuế GTGT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác, nhưng, hồ sơ trình chưa giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.
Do đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế GTGT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn. Nếu tính hết các yếu tố khách quan tổng dự toán thực tế thu đã thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 6%.
Việc tổ chức thực hiện phải bảo đảm khả thi, vừa có phần giảm để kích cầu, vừa lấy phần kích cầu đó để bù vào phần hụt thu, lợi cho cả người dân, DN nhưng cũng không làm giảm thu ngân sách trong giai đoạn hiện nay và không làm tăng bội chi ngân sách. Chính phủ phải chịu trách nhiệm và sau này không thể nói rằng vì việc này mà thu ngân sách giảm…”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Cả người dân và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Mặt khác, lập luận lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn phù hợp đã có đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, triển khai kịp thời; UBTV Quốc hội cũng như Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023 để đảm bảo an ninh tài chính và an toàn tài chính quốc gia.