Pháp luật - Nghiệp vụ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Đoàn Hằng 17/05/2023 10:26

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 2287/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

luat-cac-to-chuc-tin-dung.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Văn bản cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đồng thời, tán thành nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế.

Để bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm chất lượng của dự án Luật; trong đó, tập trung vào những nội dung như:

Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng, tăng cường hơn nữa năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng (TCTD), các biện pháp quản lý, kiểm soát chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các TCTD; tạo hành lang pháp lý tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm và xử lý các ngân hàng yếu kém; thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng bền vững, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Bổ sung làm rõ dự thảo Luật có bao nhiêu chương, điều được giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ; bổ sung bảng so sánh Luật Các TCTD hiện hành và dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) kèm theo thuyết minh lý do từng nội dung sửa đổi. Đánh giá kỹ tác động đối với từng chính sách cụ thể; hoàn thiện các tài liệu có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các thành phần hồ sơ dự án Luật.

Tiếp tục thu thập, bổ sung ý kiến của các đối tượng chịu tác động của dự án Luật, bảo đảm tính toàn diện, khả thi của dự án Luật.

Tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các quy định tại các luật liên quan, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp… và một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua như: Luật Giá, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã...; để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trên nguyên tắc chỉ luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được kiểm chứng qua thực tiễn.

Rà soát những nội dung mà dự thảo Luật có quy định đặc thù so với các luật khác để thể hiện cụ thể trong từng điều khoản của dự thảo Luật, bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Rà soát phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bảo đảm hợp lý, khả thi, hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung, làm rõ các khái niệm như tập đoàn tài chính, người có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của các khái niệm trong hệ thống pháp luật. Nghiên cứu bổ sung một chương riêng về ngân hàng chính sách theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn tại các Nghị định có liên quan của Chính phủ nhằm xác định địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam) bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này.

Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý về tập đoàn tài chính đã được đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Làm rõ các nội dung tại dự thảo Luật về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD có liên quan đến Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan. Rà soát quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của người quản lý, người điều hành, Ban kiểm soát, bảo đảm tiệm cận với các thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty. Rà soát, hoàn thiện quy định về tài chính của TCTD, về doanh thu, chi phí, lãi dự thu, trích lập dự phòng, chế độ kế toán, kiểm toán, trích lập các quỹ... trong dự thảo Luật.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách liên quan đến số hóa dịch vụ ngân hàng tại dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động công nghệ tài chính (Fintech), bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử và các luật khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các dịch vụ ngân hàng phi tài chính. Hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, như tỷ lệ bảo đảm an toàn, dự phòng rủi ro, giới hạn trong kinh doanh bất động sản.

Rà soát kỹ các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt TCTD, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục và biện pháp xử lý về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt nhằm bảo đảm quá trình ra quyết định nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khắc phục bất cập trong việc xử lý các TCTD yếu kém thời gian qua.

Rà soát kỹ để quy định phù hợp thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong quá trình triển khai can thiệp sớm hoặc kiểm soát đặc biệt, làm rõ vai trò của người đứng đầu trong việc ra các quyết định.

Đánh giá toàn diện về cho vay đặc biệt; làm rõ cơ sở, sự cần thiết và đánh giá kỹ tác động của việc cho vay đặc biệt; cân nhắc phân cấp thẩm quyền theo loại vay, lãi suất vay, tài sản bảo đảm của khoản vay, nhất là đối với cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm.

Tiếp tục rà soát tính tương thích của hệ thống pháp luật trong biện pháp Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng hợp tác xã, các TCTD khác cho vay đặc biệt. Làm rõ trách nhiệm thu hồi khoản vay đặc biệt của cơ quan quản lý, các chủ thể cho vay và các bên có liên quan.

Rà soát các nội dung xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD hết hiệu lực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế, phù hợp với Hiến pháp, không chồng chéo với các quy định của các luật khác có liên quan.

Cần làm rõ nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung trong điều kiện bình thường hoặc những nội dung đặc thù nhưng có thể áp dụng trong điều kiện bình thường và chỉ áp dụng với những khoản vay đúng quy định; các quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc của hệ thống pháp luật hiện hành.

Cần lấy thêm ý kiến của Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các chuyên gia về các nội dung này.

Tiếp tục rà soát nghiên cứu quy định đối với tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu theo hướng thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ; mở rộng đối tượng được mua, bán xử lý nợ xấu bao gồm cả Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), các công ty mua bán nợ, bảo đảm thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Cân nhắc vai trò của VAMC.

Tiếp tục tăng cường các quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường vai trò của Bộ Tài chính cũng như phối hợp giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quản lý, giám sát thị trường ngân hàng, thị trường tài chính; rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan trong luật.

Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới xây dựng hệ thống thanh tra, giám sát, độc lập và thống nhất đối với thị trường ngân hàng, tài chính, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội gửi Ủy ban Kinh tế trước ngày 20/5/2023 để thẩm tra chính thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO