Chứng khoán

Vẫn bỏ lỡ nhịp tăng cùng khu vực, thị trường chứng khoán phải thích ứng với "nhiễu"của phiên cơ cấu ETFs

Mai Hương 15/12/2023 - 16:04

Các sự kiện gây "nhiễu" cho thị trường đang lần lượt xuất hiện. Phiên hôm nay (ngày 15/12), thị trường tiếp tục bị cầm chân do các quỹ ETFs phải hoàn tất hoạt động cơ cấu danh mục khiến nhiều Bluechips kéo chỉ số giảm điểm tiếp.

Định vị thị trường

Liều thuốc tâm lý từ cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn giúp sức cho hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm. Chỉ số NIKKEI 225 đã tăng 0,87% sau khi bị chốt lời nhẹ ở phiên hôm qua trong khi SET (+0,9%), HSI (+2,46%), KLCI (+0,43%), TWII (+0,12%) cũng duy trì được đà tăng.

screenshot-2023-12-15-154410.png
Chỉ số KOSPI duy trì nỗ lực bứt phá khỏi MA200 trong phiên thứ 2 liên tiếp.

Còn chỉ số KOSPI với những vận động tích lũy quanh MA200 tương đồng với VN-Index trong các tuần trước vẫn tiếp tục bứt phá khỏi ngưỡng này để có phiên tăng 0,76%.

Tuy nhiên, VN-Index chưa thể thoát khỏi việc bị cầm chân dưới MA200 khi ám ảnh tâm lý từ các hoạt động cơ cấu ETFs lẫn đáo hạn phái sinh tuần tới vẫn quá lớn.

Chất xúc tác

Như đã đề cập, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Dollar đang rơi khá nhanh sau khi các tín hiệu phát đi của FED cho thấy sự kết thúc của chính sách thắt chặt tiền tệ. Hiện, chỉ số DXY đã thủng tiếp mốc 102 điểm và tỷ giá trung tâm trong nước cũng phản ứng sát hơn khi giảm xuống 23.882 VND/USD.

Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng phản ánh sự dồi dào về thanh khoản, lãi suất của kỳ hạn có quy mô lớn nhất là qua đêm đang giữ ở sát mức thấp nhất 52 tuần, đạt 0,2%.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn chưa thể tận dụng được sự thuận lợi này để kích hoạt một đợt tăng tương tự giai đoạn quý II&III năm nay. Nhà đầu tư đang tỏ ra quá thận trọng do phiên hôm nay sẽ diễn ra hoạt động cơ cấu ETFs và thứ Năm tuần tới có phiên đáo hạn phái sinh.

Khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 2 liên tiếp ở dưới mức bình quân 20 phiên, chỉ đạt 684,5 triệu đơn vị. Tổng khối lượng giao dịch của sàn cũng chỉ đạt 749,83 triệu đơn vị, tương đương 15.885 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng đóng góp của tiền nội hụt sâu xuống chỉ còn 80%.

3ex-2023-12-15.png

Nguyên nhân chủ đạo do 2 quỹ ETFs buộc phải hoàn tất việc cơ cấu danh mục. Họ đã bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng, qua đó có phiên thứ 13 liên tiếp.

hose-2023-12-15.png

Các mã HPG (-287 tỷ đồng), SSI (-177 tỷ đồng), DGC (-137 tỷ đồng), VCB (-134 tỷ đồng), FUEVFVND (-104 tỷ đồng) ghi nhận áp lực bán ròng lớn nhất, trong khi NVL (+115,4 tỷ đồng) được mua mạnh nhất do được thêm mới vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index.

screenshot-2023-12-15-154230.png

Vận động thị trường

Trong 5 mã bị khối ngoại bán mạnh nhất kể trên chỉ có duy nhất FUEVFVND (+0,12%) tăng giá trong khi sắc đỏ đều xuất hiện ở 4 mã còn lại. VCB (-2,61%) giảm mạnh nhất kế đến là DGC (-1,79%) và HPG (-0,92%), SSI (-0,62%).

screenshot-2023-12-15-154316.png

Ngoài ra MSN (-3,08%) cũng là cổ phiếu giảm sâu, gây tác động lên chỉ số chung. Các mã này đã kéo VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, mất 7,83 điểm (-0,71%) xuống 1.102,3 điểm. Độ rộng của HOSE đạt 57% mã giảm.

Tuy nhiên, xét về biên độ các cổ phiếu nói chung, tâm lý giao dịch không cho thấy sự tiêu cực xuất hiện. Các mã giảm như: KBC (-0,97%), PVD (-0,74%), NLG (-0,42%), CII (-0,9%), PNJ (-0,5%), SZC (-0,12%), KDH (-0,98%), điều chỉnh không đáng kể.

Nhóm chứng khoán vẫn ghi nhận VND (+1,63%), HCM (+2,44%), VIX (+0,3%), FTS (+1,19%) đóng cửa trong sắc xanh. Cùng với đó là các mã DGC (+1,6%), NKG (+1,97%), DGW (+1,81%) đã thể hiện sự phản kháng trước vận động chung.

Sự kiện gây "nhiễu"cho thị trường có thể chưa được loại bỏ hết khi vào thứ Năm tuần sau sẽ có phiên đáo hạn phái sinh nhưng cho đến lúc này, thị trường vẫn đang duy trì trạng thái tích lũy ở mức chấp nhận được.

2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa cũng đều có biên độ hẹp, lần lượt giảm 0,09% và 0,2%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn bỏ lỡ nhịp tăng cùng khu vực, thị trường chứng khoán phải thích ứng với "nhiễu"của phiên cơ cấu ETFs
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO