Vận dụng phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chi bộ 29 – Đảng ủy Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam

Trần Hải Vân-Lan Phương-Minh Thu-Ngọc Vân-Mai Ngân| 25/09/2020 16:04
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hơn 50 năm đã đi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về với “thế giới người hiền”, di sản của Người để lại cho dân tộc vẫn luôn là một kho báu đầy giá trị, trong số đó, hẳn phải kể đến phong cách làm việc của Người. Việc học tập và làm việc theo phong cách của Người không chỉ mang tính lý luận mà còn có giá trị thực tiễn vô cùng phong phú.

Vì lẽ đó, việc vận dụng phong cách làm việc của Hồ Chí Minh của mỗi lãnh đạo, Đảng viên, cán bộ tại Chi bộ 29 – Đảng ủy Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trở nên rất quan trọng, góp phần làm sâu sắc thêm giá trị doanh nghiệp và giá trị con người nơi đây.

Ảnh tư liệu

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là những nền nếp có tính hệ thống, ổn định tạo thành đặc trưng riêng trong làm việc gắn với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Người nhằm hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo Người, mỗi chúng ta đều có cách làm việc riêng, nhưng đối với cán bộ, Đảng viên đó là phong cách công tác, phong cách lãnh đạo. Sửa đổi lối làm việc theo tinh thần của Người đó là sửa những gì sai trái, không đúng, không tốt đã có trong phong cách công tác và lãnh đạo của cán bộ, Đảng viên. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, phản ánh trên một số đặc trưng cơ bản sau:

Tính tập thể - dân chủ

Đây là đặc trưng nổi bật hàng đầu thể hiện ở cả lý luận và thực tiễn trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Theo Người, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề. Vì vậy, Người khẳng định nguyên tắc cao nhất trong tổ chức, làm việc của Đảng là “tập trung dân chủ”. Tập trung là tôn trọng quyết định, chỉ thị, nguyên tắc, chấp hành nghị quyết, mệnh lệnh; dân chủ là giải thích thảo luận, tranh luận thẳng thắn, nói rõ và nói hết ý kiến, cùng nhau tìm tòi chân lý, đạt tới sự thống nhất. Đối với Hồ Chí Minh, dân chủ được đặt lên hàng đầu, tập trung dân chủ là luôn tôn trọng, gắn bó với tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, tinh thần ấy đã thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Người.

Người từng nói, “một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một mặt hay nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người, nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó mới thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm.” ([i]) Chính tác phong làm việc như vậy đã luôn tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, hoạt bát và đầy sáng tạo. Người đã nhiều lần phê bình cách lãnh đạo không dân chủ, ở đó người có ý kiến không dám phát biểu, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa nhau, không còn hăng hái, không còn sáng kiến khi làm việc. “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng. Nếu cán bộ không nói năng, không đề xuất ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tăng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản” ([ii]).

Theo Hồ Chí Minh “dân chủ tập trung” phải gắn liền với “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Người cho rằng: Tập thể làm việc là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Kết hợp giữa tập thể làm việc với cá nhân phụ trách, đó là dân chủ tập trung. Tuân thủ quyết định của tập thể, nhưng đòi hỏi người cán bộ phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tức là phải có dũng khí, quyết đoán thì tổ chức mới thực hiện tốt công việc được giao. “Làm việc không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả là cũng hỏng việc” ([iii]).

Tác phong khoa học

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có phong cách làm việc khoa học thể hiện ở tất cả các khâu các bước của quy trình lãnh đạo. Trong công tác quản lý, lãnh đạo, Người luôn yêu cầu cán bộ, Đảng viên phải có tác phong khoa học, cách làm việc khoa học. Người căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy” ([iv]) và việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn. Đồng thời, yêu cầu cán bộ mỗi khi xong một việc, dù thành công hay thất bại đều phải có tổng kết rút kinh nghiệm, để đề ra những giải pháp thích hợp tiếp tục tổ chức thực hiện việc khác tốt hơn. Phong cách làm việc này, đối lập hoàn toàn với lối làm việc chủ quan, cảm tính, tự do, tùy tiện, mắc “bệnh cận thị”, không thấy xa trông rộng; những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc cụ thể, dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả. Những người như vậy, theo Người, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ mà không thấy sự lợi hại lớn; chỉ thấy nhiệm vụ trước mắt mà không thấy tính lâu dài của công việc. Làm việc cần phải đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể.

Đối với lãnh đạo, phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng. Đó chính là tinh thần mà V.I.Lênin đề ra: “Lãnh đạo mà không kiểm tra, có nghĩa là không lãnh đạo”. Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy” ([v]).

Tác phong khoa học đòi hỏi lãnh đạo phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình, phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể.

Tính nêu gương, nói đi đôi với làm

Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” ([vi]). Sự gương mẫu của cán bộ, Đảng viên có sức hút to lớn đối với quần chúng nhân dân vì thế “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong việc giáo dục đội ngũ cán bộ, Đảng viên, Người luôn luôn thể hiện mình là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống. Phong cách làm việc của Người luôn làm mực thước, làm gương cho cấp dưới và quần chúng nhân dân học tập, noi theo.

Với Hồ Chí Minh, học phải gắn với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn; nói phải đi đôi với làm. Trong xử lý công việc, Người yêu cầu cán bộ “nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Đồng thời, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời đã nói, việc đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm; phải hoan nghênh người khác phê bình mình, kiên quyết loại trừ bệnh “hữu danh, vô thực” và chính Người là hiện thân “nói đi đôi với làm” trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân.

Vận dụng phong cách làm việc Hồ Chí Minh tại Chi bộ 29

Chi bộ 29 được thành lập ngày 20/09/2012, gồm Phòng QLRRTD và Phòng QLRRTH với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Ban lãnh đạo trong xây dựng chính sách quản lý rủi ro tín dụng, quản trị danh mục tín dụng của VCB và công tác quản lý rủi ro liên thông giữa các loại hình rủi ro đơn lẻ trong hệ thống VCB; xây dựng và cập nhật các văn bản về quản lý rủi ro tổng thể của VCB; theo dõi và báo cáo BLĐ về trạng thái rủi ro tổng thể của VCB, mối liên thông giữa loại hình rủi ro đơn lẻ; giúp việc cho Ủy ban QLRR và Hội đồng rủi ro; quản lý rủi ro mô hình và thực kiện kiểm định mô hình; xây dựng và tham gia kế hoạch đào tạo nội bộ; đầu mối thực hiện các sáng kiến thuộc các dự án chuyển đổi và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan được Ban Lãnh đạo giao.

Với đặc thù nghiệp vụ vừa gồm mảng công việc truyền thống (quản lý rủi ro tín dụng), lại vừa gồm mảng công việc mới theo tiêu chuẩn Basel (quản lý rủi ro tích hợp và thực hiện các dự án chuyển đổi), chính trong môi trường làm việc như vậy đã tạo nên cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, Đảng viên trong Chi bộ tác phong làm việc tập trung, dân chủ, khoa học và sáng tạo:

Về mảng điều hành chính sách tín dụng: Trên cơ sở luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản hồi vướng mắc từ các chi nhánh, Chi bộ đã kịp thời chỉ đạo phòng chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các chính sách tín dụng sát với thực tiễn, đảm bảo tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh doanh cho Vietcombank, tiêu biểu như: Chính sách về bảo đảm tín dụng, Quy định về thẩm quyền phê duyệt tín dụng, Chính sách phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng, Quy trình tín dụng đối với từng đối tượng khách hàng cụ thể. Đối với công tác quản lý, các lãnh đạo tại Chi bộ luôn đề cao tinh thần lắng nghe, nắm bắt những ưu, khuyết điểm và giải quyết kịp thời, thỏa đáng những tâm tư của cán bộ.

Về mảng quản lý rủi ro tích hợp và các dự án chuyển đổi đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN, tiệm cận với thông lệ Basel: Từng lãnh đạo, cán bộ tại chi bộ đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo, trên tinh thần phát huy sức mạnh của tập thể, nỗ lực hoàn thành các đầu mục khó, mới, chưa từng có tiền lệ triển khai như: Giữ vai trò điều phối, đóng góp lớn vào việc tuân thủ trước thời hạn quy định của NHNN đối với Thông tư 41/2016/TT-NHNN tại Vietcombank, đi đầu triển khai các mô hình định lượng rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phân tích dữ liệu trong hoạt động ngân hàng Bán lẻ…

Để đạt được những trái ngọt trên, các lãnh đạo tại đơn vị luôn giữ vững tinh thần nêu gương, nói đi đôi với làm, kiên định các mục tiêu đổi mới, sáng tạo, qua đó, Đảng viên và cán bộ tại Chi bộ đã thực hiện noi gương, không ngừng trau dồi, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, về chuyên môn nghiệp vụ, tự giác, nghiêm túc học tập những kiến thức mới, những phương pháp nghiên cứu, làm việc mới để có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, đóng góp các sáng kiến hữu ích góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là nhiệm vụ cần kíp trong bối cảnh yêu cầu quản trị ngân hàng ngày một nâng cao, nhiều hướng tiếp cận mới, để có thể ứng dụng vào nội bộ Vietcombank cần nỗ lực tìm tòi, chấp nhận dấn thân và tiên phong trên cơ sở đánh giá tính khả thi từ thực tiễn.

Với sự đồng sức, chung lòng của tập thể, các kết quả đạt được của Chi bộ đã được Ban lãnh đạo ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, đồng thời, với sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Ban lãnh đạo, quá trình xử lý các công việc chuyên môn luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả cao.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và học tập, rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên Chi bộ 29, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường giáo dục cho cán bộ, Đảng viên nhận thức rõ sự cần thiết và ý nghĩa to lớn của việc rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; giáo dục cho cán bộ, Đảng viên nắm vững các nội dung, yêu cầu về phong cách Hồ Chí Minh nhất là những đặc trưng cơ bản trong phong cách làm việc của Người và cách thức, phương pháp tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo các yêu cầu, nội dung, đặc trưng phong cách đó. Làm cơ sở cho việc xác định chương trình, kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện bản thân đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp rèn luyện để hình thành các đặc trưng phong cách làm việc của bản thân mỗi cán bộ, Đảng viên theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, cán bộ, Đảng viên có phong cách quần chúng, gần gũi đồng nghiệp, thông qua đó tăng cường sự giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến phản hồi; rèn luyện tinh thần sâu sát, tỉ mỉ trong công việc, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, chống lối làm việc tuỳ tiện, chủ quan, luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể. Người làm chính sách phải lắng nghe ý kiến của các đơn vị kinh doanh để từng bước điều chỉnh nội dung, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong việc triển khai.

Ba là, người đứng đầu chủ động làm tốt công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm thường xuyên; đánh giá kết quả quá trình xây dựng phong cách làm việc của từng cán bộ, Đảng viên để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, đạt kết quả cao.

Bốn là, nêu cao tính tích cực, tự giác trong rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh của người đứng đầu, cán bộ, Đảng viên. Thực hiện nghiêm túc việc tự đào tạo của bản thân trên cơ sở những kiến thức, kỹ năng cơ bản được cung cấp bởi các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện về kiến thức, kỹ năng, phong cách...coi việc tự học là một nhu cầu tự nhiên.

Học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, Đảng viên trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ rằng, những sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm ở mỗi cá nhân, mỗi đơn vị sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên của Chi bộ 29, góp phần xây dựng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ngày một lớn mạnh, đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

[i] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 504-505

[ii] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 280

[iii] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 620

[iv] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 239

[v] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 521

[vi] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 284

Cơ sở lý luận:

Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày 15/5/2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận dụng phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chi bộ 29 – Đảng ủy Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO