(thitruongtaichinhtiente.vn) - Văn hóa với sự phát triển của các ngân hàng có mối quan hệ với nhau trong quá trình phát triển. Từ nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống, bài viết đi vào phân tích và làm rõ những điểm vận dụng cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống đối với phát huy văn hóa công sở tại các ngân hàng hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và thế giới. Trong di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta có nhiều nội dung quan trọng, mang giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, một trong số đó chính là tư tưởng, quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống. Bối cảnh hiện nay, hội nhập, đổi mới, toàn cầu hóa, tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự biến đổi của đời sống xã hội... đã làm cho văn hóa có sự thay đổi về nội dung và hình thức thể hiện. Do vậy, việc ghi nhớ và vận dụng tư tưởng của Bác về văn hóa đời sống, từ đó vận dụng nó vào việc phát huy văn hóa công sở tại các ngân hàng hiện nay ở Việt Nam vẫn là việc làm có ý nghĩa.
1. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống
Văn hóa đời sống trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cách thức và phương pháp hoạt động, sinh hoạt phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội Việt Nam để phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Để xây dựng văn hóa đời sống thì việc xây dựng cho được một lối sống mới, lối sống phù hợp là một việc làm rất quan trọng. Cùng với việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, việc xây dựng đời sống mới đòi hỏi phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”[1]. Theo Hồ Chí Minh đó là năm cách phải sửa đổi đối với mỗi người cũng như đối với tập thể, cộng đồng. Theo ngôn ngữ thường dùng hiện nay, thì đây là phong cách sống và phong cách làm việc và gọi chung là đời sống mới.
Xây dựng đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, là “làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”[2]. Xây dựng đời sống mới phải thay đổi toàn bộ cách ăn, cách ở, cách mặc, cách làm việc, cách đi lại. Xây dựng lối sống đối với mỗi người tức là xây dựng cho mình phong cách sống và phong cách làm việc. Đó là phải có phong cách khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn về vật chất, về chức - quyền – danh - lợi. Trong mối quan hệ với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì cần cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị; giàu tình yêu thương quý mến đối với con người, trân trọng con người; đối với mình thì chặt chẽ, đối với người thì khoan dung độ lượng.
Không chỉ là người có tư tưởng về xây dựng đời sống mới, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng về phong cách sống khiêm tốn, giản dị, rất chừng mực, ngăn nắp. Là Chủ tịch nước mà Người vẫn ở nhà sàn gỗ đơn sơ, quần áo vải. Người cho rằng, “cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ xa xỉ, lòe loẹt”[3]. Người không phủ nhận nhu cầu thích đáng của mỗi người trong việc cải thiện và nâng cao các điều kiện sinh hoạt ăn, mặc, ở của mình ngày càng tốt hơn, mà chỉ rõ rằng: Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc dân ta còn thiếu thốn mà người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phong cách làm việc bao gồm, tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học. Ba loại tác phong đó có nội dung rất cụ thể, phong phú, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Những tác phong ấy được thể hiện ra khi mỗi người hoàn thành được nhiệm vụ được giao, nhất là những người ở cương vị quản lý, lãnh đạo. Xây dựng phong cách làm việc là rất cần thiết không chỉ là trước kia, mà ngày nay xây dựng tác phong làm việc càng trở nên cấp thiết hơn. Thực hành đời sống mới, tức là mỗi người tự quản lấy lối sống của mình theo chuẩn mực tiên tiến của xã hội, mà cốt lõi là nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng và tiến bộ. Đời sống mới còn thể hiện ở lối ứng xử giữa người với người, con người với tự nhiên, nhận thức của con người với hiện thực khách quan... đời sống mới không phải là những gì cao siêu, xa lạ, ngược lại bắt nguồn từ muôn ngàn hoạt động đời thường của mỗi cá nhân, gia đình, tập thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị quân đội, hợp tác xã... Đó là một công việc phải thực hiện hàng ngày, từng giờ trong một quá trình lâu dài, kết hợp với việc tiếp thu những yếu tố tốt đẹp trong lối sống của thời đại. Thực hành đời sống mới là một công việc lâu dài mà mở đầu bằng việc giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu hết giá trị của đời sống mới. Nhưng quan trọng phải có những người làm gương, trước hết là người lãnh đạo, quản lý, những người tuyên truyền xây dựng đời sống mới phải miệng nói tay làm, phải nêu gương trước. Hơn nữa còn phải xây dựng cho được những tập thể kiểu mẫu để noi theo.
2. Những điểm vận dụng cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống đối với phát huy văn hóa công sở tại các ngân hàng hiện nay
Văn hóa công sở được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực ứng xử giữa người đại diện cho cơ quan hành chính nhà nước với công dân và giữa cán bộ công chức với nhau, nhằm phát huy tối đa năng lực để đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động công vụ. Khi văn hóa công sở của cán bộ công chức được nâng cao thì nấc thang văn hóa ứng xử của công dân đến công sở làm việc chắc chắn cũng sẽ được nâng cao. Văn hóa công sở còn là biểu hiện nổi bật của một xã hội văn minh, mọi hoạt động công vụ đều có nền nếp, kỷ cương; mỗi người công chức đều thấy rõ trách nhiệm của mình và luôn tự nguyện làm tròn nhiệm vụ, hoàn thành tốt phần việc được giao. Do vậy, nếu xét về bản chất thì chúng ta có thể hiểu văn hóa công sở xuất phát từ chính vai trò của công sở trong đời sống xã hội và trong hoạt động của bản thân bộ máy hành chính.
Đối với các ngân hàng, việc phát triển văn hóa công sở sẽ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các ngân hàng trong việc triển khai các hoạt động gắn liền với nhiệm vụ cụ thể của từng ngân hàng có liên quan đến: Huy động vốn; Cho vay; Kinh doanh ngoại hối; Cung ứng các dịch vụ thanh toán và ngân quỹ; Kinh doanh các dịch vụ ngân hàng khác; Thực hiện đồng tài trợ, đầu mối đồng tài trợ cấp tín dụng theo quy định và thực hiện các nghiệp vụ tài trợ thương mại; Bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh đảm bảo chất lượng sản thanh, bảo lãnh hoàn thanh toán, bảo lãnh đối ứng và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác cho các tổ chức, cá nhân; Tư vấn tài chính, tín dụng cho khách hàng… cũng như thực hiện chức năng xã hội của các ngân hàng. Về cơ bản, vai trò đó được thể hiện qua một số điểm như sau:
- Môi trường văn hóa công sở tại các ngân hàng tốt đẹp sẽ tạo được niềm tin của cán bộ, viên chức, người lao động cũng như khách hàng, đối tác trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
- Tạo được sự thống nhất và tình đoàn kết, chống lại bệnh quan liêu, cửa quyền làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động cũng như các khách hàng và đối tác đến làm việc với ngân hàng. Điều này bắt buộc các cán bộ, viên chức, người lao động phải quan tâm đến hiệu quả công việc chung của ngân hàng, giúp cho mỗi cán bộ, viên chức, người lao động tự nhìn lại, đánh giá mình, chống lại những biểu hiện thiếu văn hóa như: tham ô, móc ngoặc, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, cơ hội.
- Nâng cao tính tự giác của cán bộ, viên chức, người lao động cũng như khách hàng và đối tác trong quá trình triển khai thực hiện công tác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng.
- Do có sự kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những tính văn hóa từ bên trong và bên ngoài nhà trường, từ quá khứ đến tương lai cho nên trong một chừng mực nào đó, văn hóa công sở sẽ giúp cho các ngân hàng tạo nên những chuẩn mực, phá tính cục bộ, sự đối lập có tính bản thể của các thành viên. Hướng cán bộ, viên chức, người lao động trong ngân hàng đến một giá trị chung vì lợi ích của khách hàng, cộng đồng và xã hội.
Cần nhấn mạnh rằng, với nội hàm liên quan đến tổng hợp của hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần, văn hóa công sở sẽ có các đặc trưng liên quan đến: tính hệ thống; tính giá trị; tính nhân sinh; tính lịch sử. Xét từ các đặc trưng cốt lõi nêu trên, xây dựng văn hóa công sở của các ngân hàng cần tập trung vào các bản chất: Đề cao tính độc lập và tự quản, tự chịu trách nhiệm của cá nhân để cá nhân có thể thực hiện sự sáng tạo; Có các quy chế, điều lệ, nội quy, qui định cụ thể để kiểm soát hành vi của các cá nhân trong toàn trường; Sự hỗ trợ của cấp trên và phối hợp cấp dưới trong việc thực hiện các công việc chung của nhà trường; Có sự thống nhất về mục tiêu và lợi ích của cá nhân với mục tiêu lợi ích của nhà trường; Xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; Khả năng chịu đựng các xung đột nội bộ và xung đột với bên ngoài.
Văn hoá công sở tại các ngân hàng hiện nay còn một số điểm “nghẽn” cần khắc phục để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn và chiến lược phát triển của bản thân mỗi ngân hàng trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay cũng như sự tác động và ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể:
Một là, thái độ trong quá trình làm việc tại các ngân hàng. Thực trạng văn hóa công sở tại các ngân hàng liên quan đến thái độ làm việc, cách làm việc vẫn còn chưa bắt kịp với đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng, đối tác cũng như của xã hội. Vẫn còn tình trạng thiếu sự chủ động, nghiêm túc trong giờ làm và trong mọi công việc được phân công.
Hai là, hành vi ứng xử với khách hàng, đối tác và các cá nhân, đơn vị đến liên hệ công tác ở một số chi bộ ngân hàng vẫn chưa thể hiện phong cách giao dịch chuyên nghiệp, thân thiện; chưa thể hiện rõ tác phong nhanh nhẹn, chu đáo, thái độ niềm nở, tận tình, tạo ấn tượng tích cực. Các nguyên tắc ứng xử với khách hàng của đội ngũ cán bộ, nhân viên, các ngân hàng vẫn chưa được đồng loạt thực hiện công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ với nhiều hình thức khác nhau.
Ba là, trách nhiệm đối với công việc được phân công. Còn tồn tại một bộ phận cán bộ, viên chức, người lao động trong ngân hàng chưa nghiêm túc trong việc hoàn thành đúng thời hạn công việc được phân công. Quá trình triển khai thực hiện, do thiếu sự sâu sát, kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng bổ sung, chỉnh sửa, phát sinh thêm hạng mục…. làm ảnh hưởng đến công tác chung của ngân hàng, của khách hàng và đối tác. Chưa kể, nhân viên, chuyên viên một số đơn vị cách xa “mặt trời”, thiếu sự quản lý trực tiếp của lãnh đạo đã dùng thời gian của cơ quan phục vụ cho công tác cá nhân; trang thiết bị phục vụ cho công việc chung trở thành phương tiện để giải trí ngay tại cơ quan. (Sử dụng máy tính có nối mạng hoặc điện thoại cá nhân phục vụ cho việc riêng như: facebook, đọc báo, chơi games online, săn tin vàng và chứng khoán…)
Nguyên nhân của thực trạng trên thì có rất nhiều, nhưng có thể nói rằng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất đó chính là do nhận thức và ý thức về thái độ văn hóa công sở của một bộ phận cán bộ, viên chức, người lao động tại các ngân hàng chưa cao. Vẫn còn tình trạng chủ nghĩa cá nhân, lãng phí của công trong một bộ phận cán bộ, viên chức, người lao động. Bên cạnh đó, vẫn còn những tác động từ thói quen của cơ chế xin cho, bao cấp, từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chưa thực hiện thường xuyên, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp trên chưa thành nề nếp.
3. Lời kết
Trong một thế giới đầy biến động, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và tình hình trật tự thế giới càng biến đổi như hiện nay, chúng ta lại càng phải nhìn nhận đúng vai trò của văn hóa nói chung trong đó có giá trị văn hóa đời sống theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi cả xã hội đang ra sức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống cần được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc để góp phần quan trọng giúp các ngân hàng hoàn thành tốt các kế hoạch và mục tiêu của chính sách tiền tệ, triển khai tích cực và có hiệu quả các đề án cải cách và đổi mới hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện và thực thi mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO