Sắc đỏ lấn lướt thị trường chung trong bối cảnh ngân hàng vẫn có nhiều mã tăng điểm tích cực. Ngoài ra, tâm lý đang thêm sự cảnh giác khi đã bước vào tuần đáo hạn phái sinh tháng 1/2024.
Định vị thị trường
Ngoại trừ thị trường Nhật Bản vẫn đang liên tục phá đỉnh đi lên, trong phiên hôm nay (ngày 15/1) các thị trường chứng khoán châu Á đều chưa có thêm những diễn biến tích cực. Diễn biến trái chiều trong biên độ hẹp xuất hiện giữa các chỉ số CSI (-0,1%), TWSE (+0,19%), KOSPI (+0,04%), IDX (-0,24%).
VN-Index cũng giảm không đáng kể nhưng độ rộng lại ghi nhận sự lấn lướt của sắc đỏ. Các tín hiệu lan tỏa dòng tiền từ sóng tăng của các cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa hề xuất hiện.
Chất xúc tác
Chuỗi 9 phiên liên tiếp duy trì mức thanh khoản trên mức bình quân đã bị cắt đứt phản ánh sự hụt hẫng về cung cầu trên thị trường. Khớp lệnh của HOSE đã sụt giảm tới 46% xuống còn 559 triệu đơn vị.
Lý do đến từ việc lan tỏa của dòng tiền từ ngân hàng chưa được đáp ứng khiến tâm lý đã chuyển sang "chán nản". Ngoài ra, tuần này cũng sẽ diễn ra sự kiện đáo hạn phái sinh tháng 1/2024. Khối lượng mở của HĐTL VN30F2401 trước phiên hôm nay đã thu hẹp còn hơn 56 nghìn đơn vị, trong khi chênh lệch với VN30 cũng đã khá sát nhau.
Trên thị trường tiền tệ, tuần giao dịch cho đến phiên ngày 11/1 ghi nhận mức lãi suất của kỳ hạn qua đêm đạt bình quân 0,15%, giảm 0,31% so với tuần trước. Giá trị giao dịch đạt 263 nghìn tỷ đồng, cho thấy hệ thống vẫn dồi dào về thanh khoản.
Về dòng tiền ngoại, hiện chưa có thêm diễn biến bán ròng. Tính cả 3 phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 200 tỷ đồng trên HOSE.
Vận động thị trường
Với sự sụt giảm về thanh khoản, thị trường rất khó để có thể tạo ra sự bứt phá về điểm số. VN-Index chỉ tăng cầm chừng trong cả phiên và đảo chiều trong phiên ATC, giảm 0,58 điểm xuống 1.154,12 điểm (-0,05%).
Niềm vui vẫn chỉ xuất hiện với những nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng như VCB (+1,5%), BID (+1,3%), MBB (+0,5%), HDB (+0,5%), VIB (+0,7%), OCB (+2,7%). Còn lại, các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB (-1,9%), MSB (-1,8%), VPB (-1,5%), TPB (-1,5%), SHB (-1,2%) đều đã điều chỉnh nhẹ.
Nhịp luân chuyển chưa có dấu hiệu diễn ra khi các ngành khác như chứng khoán, bất động sản, thép, cảng biển ghi nhận sự điều chỉnh tiếp diễn của SSI (-2,51%), VIX (-1,47%), VCI (-2,38%), VND (-1,38%), PDR (-2,17%), DIG (-0,48%), HDC (-1,8%), NLG (-1,1%), HSG (-0,46%), HPG (-0,18%), VSC (-2,73%)…
Độ rộng của sàn chứng kiến sự lấn lướt của sắc đỏ với 55% mã giảm giá, cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang chịu sự ức chế khá lớn khi nhiều cổ phiếu đang có phong độ suy yếu hơn so với ngân hàng.
Với tình trạng hiện tại, thị trường cũng đang bước dần vào giai đoạn rất nhạy cảm bởi bản thân các cổ phiếu ngân hàng cũng đã gặp phải sự chững lại thể hiện qua sự phân hóa được đề cập ở trên.
Cả HNX và UPCoM cũng đều có dấu hiệu tâm lý này khi 2 chỉ số giảm 1,2% và 0,33%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn chỉ đạt hơn 1.700 tỷ đồng.