Ví điện tử cá nhân sẽ được giao dịch 100 triệu đồng mỗi tháng

A.Đức| 01/12/2019 11:08
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đó là một trong những nội dung mới của Thông tư 23/2019/TT-NHNN (Thông tư 23) do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Thông tư mới ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 7/1/2020.

Thông tư 23 đã sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 7 và bổ sung khoản 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 vào Điều 3; sửa đổi, bổ sung Điều 8. Đảm bảo khả năng thanh toán; sửa đổi, bổ sung Điều 9. Hoạt động cung ứng Ví điện tử; bổ sung Điều 9a. Hoạt động bù trừ điện tử vào sau Điều 9;  Bổ sung khoản 1a đối với Đối tác cung ứng dịch vụ và khoản 4 Đối với Tổ chức chủ trì bù trừ điện tử vào Điều 11; Sửa đổi khoản 2 và khoản 3 vào Điều 13; sửa đổi, bổ sung Điều 14. Quyền của ngân hàng; sửa đổi, bổ sung điều 15 trách nhiệm của ngân hàng; bổ sung Điều 15a. Trách nhiệm của thành viên quyết toán vào sau điều 15; sửa đổi, bổ sung Điều 16. Báo cáo, cung cấp thông tin; sửa đổi, bổ sung “Điều 19. Cục Công nghệ thông tin; sửa đổi, bổ sung Điều 20. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Bổ sung Điều 20a. Sở Giao dịch vào sau Điều 20; Bổ sung Điều 20b. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào sau Điều 20a;

Theo đó, Thông tư yêu cầu khách hàng mở ví điện tử phải cung cấp các thông tin cá nhân định danh như: CMND hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi)…

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ trước khi sử dụng ví điện tử. Khách hàng được liên kết ví với một hoặc nhiều tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ tại các ngân hàng liên kết.

Tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở) tối đa 100 triệu đồng/tháng. Trừ trường hợp Ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử.

Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào Ví điện tử.

Khi sử dụng ví điện tử, khách hàng (chủ ví điện tử) chỉ được nạp tiền vào ví điện tử từ tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng và nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.

Mục đích sử dụng ví điện tử để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở; Rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng.

Thông tư 23/2019/TT-NHNN cũng quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác…

Chủ ví điện tử cũng không được cho thuê, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử.

Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải cung cấp công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử.

Thay thế Phụ lục số 01, 02 và 03 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán bằng Phụ lục số 01, 02 và 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Bổ sung thêm Phụ lục số 04, 05 và 06 vào Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ví điện tử cá nhân sẽ được giao dịch 100 triệu đồng mỗi tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO