Nhìn ra thế giới

Vì sao các ngân hàng trung ương đang có những bước đi thận trọng?

H.Y 04/04/2023 16:24

Các ngân hàng trung ương được cho là đang có những bước đi thận trọng sau sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Silicon Valley và Credit Suisse.

Những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện và suy thoái toàn cầu, mặc dù các nhà kinh tế đã cảnh báo không có khả năng dẫn đến sự lặp lại khủng hoảng những năm 2007-2008.

Sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature ở Mỹ và Credit Suisse ở châu Âu một phần là do lãi suất tăng nhanh.

Những khó khăn của khu vực ngân hàng đã cho thấy rõ hơn sự cân bằng mong manh mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt khi tìm cách chế ngự lạm phát cao mà không gây căng thẳng không cần thiết lên các tổ chức tài chính.

Đâu là những thách thức đối với các ngân hàng trung ương?

Các nhà hoạch định chính sách đang đi trên con đường thắt chặt, một mặt cố gắng giảm lạm phát, mặt khác, giữ cho tín dụng chảy qua hệ thống tài chính. Lý tưởng nhất là các cơ quan quản lý có thể tăng lãi suất với biên độ và tốc độ phù hợp để hạ mức giá xuống mà không gây ra khủng hoảng ngân hàng.

Vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách là công cụ chính để kiềm chế lạm phát - lãi suất cao - có thể gây thêm áp lực lên hệ thống ngân hàng, nơi mà toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào dòng tín dụng, bằng cách giảm nhu cầu vay vốn. Sự hỗn loạn gia tăng trong lĩnh vực ngân hàng khiến khả năng “hạ cánh mềm” ít xảy ra hơn và làm tăng nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Lãi suất cao hơn cũng làm cho suy thoái kinh tế nói chung dễ xảy ra hơn vì làm tăng chi phí vay mượn của các công ty và hộ gia đình, khuyến khích các công ty cắt giảm các dự án và việc làm mới, còn người tiêu dùng thì giảm chi tiêu.

Vào tháng 1/2023, Ngân hàng Thế giới đã thông báo lãi suất tăng nhanh đã đưa nền kinh tế toàn cầu đến “tình thế nguy ngập”, cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất cho năm 2023, theo đó tình huống hiện nay chính là kịch bản cơ sở. Vụ sụp đổ ngân hàng vào tháng trước đã khiến Goldman Sachs nâng xác suất suy thoái của Mỹ trong năm sau từ 25% lên 35%.

Mức độ lạm phát khác nhau giữa các quốc gia, nhưng giá cả trên toàn thế giới đang tăng nhanh hơn so với trước đại dịch COVID-19.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống mức 6,6% trong năm nay, giảm từ 8,8% trong năm 2022 và tiếp tục giảm xuống 4,3% vào năm tới.

Lạm phát ở Mỹ trong tháng 2/2023 là 6% và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cơ quan hễ có sự thay đổi lãi suất nào đều được các ngân hàng trung ương khác theo sát, đặt mục tiêu đưa xuống 2%. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cho rằng giọng điệu mềm mỏng gần đây của Chủ tịch FED Jerome Powell như một dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đang có những bước đi thận trọng.

Tim Uihlein, một nhà quản lý tài sản và nhà kinh tế học hành vi, nói: “FED giờ đây phải cân nhắc việc tăng lãi suất và nguy cơ hỗn loạn hơn trong cả hoạt động cho vay lẫn khu vực ngân hàng với việc giữ nguyên hoặc hạ thấp lãi suất, điều có nguy cơ dẫn đến lạm phát cao”.

Những rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt?

Lãi suất cao hơn đặt ra một số thách thức đặc biệt đối với mô hình kinh doanh của ngân hàng.

Ví dụ, lãi suất cao làm cho việc cho vay thế chấp trở nên phức tạp hơn. Các khoản cho vay có lãi suất cố định không bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, vì vậy các ngân hàng không thể sử dụng chúng để bù đắp chi phí huy động ngày càng tăng. Mặc dù ngân hàng có thể tính phí cao hơn đối với các khoản vay có lãi suất thay đổi, nhưng điều đó làm tăng rủi ro vỡ nợ của người đi vay, gây ra nhiều tổn thất hơn.

Khi lạm phát cao ảnh hưởng đến tiết kiệm, nhiều người chuyển tiền từ ngân hàng sang các tài sản khác có thể bù đắp tốt hơn cho chi phí sinh hoạt gia tăng. Lãi suất tiền gửi ngân hàng ở Mỹ đã giảm hơn 3% kể từ khi chính sách tiền tệ bắt đầu thắt chặt, với dòng tiền chảy ra tăng nhanh trong cú sốc tháng trước. Trong tháng 2, hơn 70 tỷ euro (76,2 tỷ USD) tiền tiết kiệm đã rời khỏi các ngân hàng khu vực đồng euro, dòng tiền chảy ra lớn nhất được ghi nhận.

Bản thân việc rút tiền mặt không phải là nguyên nhân gây hoảng loạn, nhưng khi kết hợp với giá trái phiếu giảm, chúng có thể là một vấn đề nghiêm trọng.

Kevin Lao, một nhà phân tích tài chính có trụ sở tại Florida cho biết: “Các ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng và quay vòng để đầu tư hoặc cho vay để kiếm lợi nhuận. Điều này khiến ngân hàng gặp rủi ro về lãi suất vì khi lãi suất tăng lên, giá trị của các khoản đầu tư có thu nhập cố định mà họ đã mua trước đây giờ trở nên ít giá trị hơn.”

Các ngân hàng sử dụng trái phiếu như một nơi an toàn để đầu tư tiền gửi của người tiết kiệm. Lợi suất sau đó sẽ trả lãi cho người gửi tiền và kiếm được lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất tăng đã làm giảm giá trị của trái phiếu trong năm qua. Đây chỉ là một khoản lỗ trên giấy tờ trừ khi các ngân hàng phải bán trái phiếu trước thời hạn để thu về tiền mặt trong bối cảnh lượng rút tiền tăng đột biến.

Đây chính là trường hợp của Ngân hàng Silicon Valley, khi họ thông báo thiếu hàng tỷ đô la tiền mặt do bán tháo trái phiếu không đúng lúc. Các nhà đầu tư hoảng sợ sau đó đã kích hoạt một cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng, đẩy nhanh sự sụp đổ của ngân hàng này.

Lao cho biết: “Sự cố này cho thấy tiền đang bị thắt chặt khi các cá nhân và doanh nghiệp rút ra khoản tiền gửi mà các ngân hàng dự định đầu tư trong thời gian dài hơn”.

Nhiều ngân hàng đổ vỡ hơn sẽ làm tăng rủi ro lây lan tài chính và sự khởi đầu của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các biện pháp đang được thực hiện để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn cầu

Các tổ chức đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng tiềm ẩn, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới.

Khi các sự cố ngân hàng xảy ra trong tháng trước, các cơ quan quản lý ở Mỹ, Anh và Thụy Sĩ đã nhanh chóng hành động để tạo điều kiện thuận lợi cho các thỏa thuận tiếp quản và bảo đảm tiền gửi. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ở Brussels nhấn mạnh sức mạnh của lĩnh vực ngân hàng của Liên minh châu Âu để trấn an các nhà đầu tư sau khi giá cổ phiếu của Deutsche Bank lao dốc do lo ngại ngân hàng cho vay lớn của Đức có thể sụp đổ.

Tháng trước, FED đã cho phép thực hiện hoán đổi tiền tệ hằng ngày với các ngân hàng trung ương ở Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ và khu vực đồng euro. Có hiệu lực cho đến ít nhất là tháng 4, các giao dịch hoán đổi tăng tốc, thường được giao dịch hàng tuần, nhằm mục đích đảm bảo cho các ngân hàng trung ương này có quyền tiếp cận với giao dịch hoán đổi với đồng USD để duy trì hoạt động của lĩnh vực tài chính của các quốc gia đó.

Những biện pháp này và các biện pháp khác nhằm ổn định bất kỳ cú sốc hệ thống nào có thể xảy ra trong những tháng tới.

Nhìn chung, lĩnh vực tài chính được nhiều người coi là có khả năng chống chọi với các cú sốc tốt hơn so với giai đoạn 2007-2008 do các quy định chặt chẽ hơn được đưa ra sau cuộc khủng hoảng.

Trong số những thay đổi về quy định đáng chú ý đó là, các tổ chức tài chính phải tuân theo các yêu cầu về vốn cao hơn và các bài kiểm tra căng thẳng được thiết kế để đánh giá khả năng vượt qua suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

(Nguồn: Aljazeera)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao các ngân hàng trung ương đang có những bước đi thận trọng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO