Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 "thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Tham gia đấu thầu gói thầu nhà ga sân bay Long Thành có 3 liên danh, gồm Hoa Lư, Vietur và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors.
Trong đó liên danh nhà thầu Vietur vừa được công bố trúng gói thầu này.
Liên danh nhà thầu Vietur bao gồm: Tập đoàn công nghiệp và Thương mại xây dựng IC ISTAS (được thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ. IC ISTAS được giới thiệu nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới như sân bay quốc tế St. Petersburg Pulkovo (quy mô 20 triệu hành khách năm); đầu tư sân bay Antalya theo hình thức BOT và PPP; thi công giai đoạn 1 sân bay King Khaled (thủ đô Riyadh, Saudi Arabia).
Đi cùng là các doanh nghiệp trong nước như Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, SOL E&C, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp.
Theo ACV công bố, liên danh nhà thầu Vietur trúng gói thầu 5.10 với giá trúng thầu gần 28.000 tỷ đồng và 338.849.804 USD. Đây là loạt hợp đồng theo giá kết hợp.
Thời gian thực hiện hợp đồng là 39 tháng đã bao gồm cả các ngày nghỉ lễ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian diễn ra lễ ký kết hợp đồng dự kiến từ ngày 25/8 - 30/8.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết: Việc chấm thầu được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và đã chọn được đơn vị đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư đề ra trong hồ sơ mời thầu. Giá trúng thầu của liên danh thấp hơn so với hồ sơ mời thầu một chút, còn thời gian thi công 39 tháng không thay đổi.
Với một gói thầu lớn, có nhiều nhà thầu trong liên danh, việc quản lý tiến độ, chất lượng của dự án được thực hiện như thế nào, ông Thanh cho biết đã thuê đơn vị tư vấn của Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm để thay chủ đầu tư giám sát trong quá trình triển khai. Vì vậy sẽ rất yên tâm về chất lượng, tiến độ của công trình theo thiết kế.
Để đáp ứng tiến độ dự án sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, ACV đã xin ý kiến cấp có thẩm quyền kế hoạch tổ chức khởi công gói thầu 5.10 sân bay Long Thành và một gói thầu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Kế hoạch này dự kiến lùi lại đến 31/8 thay vì 26/8 như kế hoạch trước đó.
Cùng với đó là gói thầu 4.6 “thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành” cũng được khởi công cùng ngày. Quy mô tổng mức đầu tư gói thầu này được phê duyệt hơn 7.308 tỷ đồng, thời gian thi công là hơn 2 năm.
Nói về các năng lực tài chính của các đơn vị tham gia gói thầu, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV khẳng định các bước đánh giá về kỹ thuật, tài chính của từng liên danh đã được Tổ thẩm định đánh giá rất kỹ. Các nhà thầu đủ các tiêu chí chấm điểm mới đến các bước tiếp theo và trong tuần qua là thời gian thương thảo lại hợp đồng cụ thể.
Trong thông báo trúng thầu đối với liên danh Vietur, ACV cũng công bố lý do 2 liên danh nhà thầu bị trượt gồm CHEC-BCEG-Vietnam Contractors và Hoa Lư.
Trong đó, liên danh nhà thầu CHEC-BCEG-Vietnam Contractors: gồm các nhà thầu China Harbour Engineering Comopany Limited và CHEC (đại diện thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc).
Liên danh Hoa Lư gồm các công ty xây dựng như: Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An, Unicons, Delta, Coteccons. Trong đó, Coteccons là đơn vị đứng đầu liên danh.
Nói về quá trình chấm thầu, ACV cho biết, trên cơ sở hồ sơ dự thầu đã nộp ngày 12/6/2023 của các nhà thầu tham dự, bên mời thầu, tổ chuyên gia đã đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
Ngoài ra còn căn cứ các tiêu chí, yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, công bằng, minh bạch...
Theo ACV, lý do Liên danh nhà thầu CHEC-BCEG-Vietnam Contractors bị trượt thầu là do quá trình chấm thầu, bên mời thầu đã đề nghị nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu về phần nhân sự chủ chốt. Sau đó, nhà thầu đã có văn bản phản hồi về nhân sự chủ chốt. Trong đó đề xuất thay thế nhiều nhân sự chủ chốt, đồng thời cung cấp các tài liệu chứng minh kèm theo.
Nhưng sau khi xem xét, đánh giá các tài liệu bổ sung, làm rõ của nhà thầu cung cấp, kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của liên danh nhà thầu CHEC-BCEG-Vietnam Contractors vẫn có 18 nhân sự không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về năng lực kỹ thuật.
Bên mời thầu đã xem xét toàn bộ đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu. Kết quả xem xét cho thấy phần đề xuất kỹ thuật của nhà thầu không đạt mức điểm tối thiểu cho các phần/mục có quy định về điểm tối thiểu theo yêu cầu.
Trong đó, các phần/mục điểm thành phần đánh giá về mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (specs) của vật tư phần xây dựng; mức độ đáp ứng kỹ thuật (specs) của vật liệu, thiết bị hệ thống cơ điện (M&E) hệ thống thiết bị nhà ga (TE); Biện pháp tổ chức thi công, đều không đạt mức điểm tối thiểu theo quy định của hồ sơ mời thầu.
Còn liên danh nhà thầu Hoa Lư bị trượt thầu là do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mức độ đáp ứng kỹ thuật (specs) của vật liệu, thiết bị hệ thống cơ điện (M&E), hệ thống thiết bị nhà ga (TE). Điểm đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của liên danh Hoa Lư không đạt mức điểm yêu cầu tối thiểu - Thiết bị nhà ga.
Trong đó, hồ sơ thiết kế được phê duyệt, hệ thống xử lý hành lý (BHS) là hệ thống thiết bị hàng không chính trong dây chuyền công nghệ nhà ga hành khách, một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến công suất khai thác, vận hành của nhà ga.
Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hệ thống BHS của nhà thầu không tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật, sai khác với giải pháp thiết kế của hồ sơ mời thầu.
Điều đó làm ảnh hưởng đến chức năng đảm bảo hoạt động và dự phòng công suất của hệ thống BHS bao gồm: Khu vực băng chuyền vận chuyển hành lý sau soi chiếu an ninh hàng không/ Hải quan (lầu 3) không tuân thủ yêu cầu hồ sơ mời thầu; Khu vực băng chuyền sử dụng công nghệ vận chuyển hành lý bằng khay độc lập không tuân thủ yêu cầu hồ sơ mời thầu; Bố trí trạm chỉnh sửa hành lý (sau khi chuyển lên khay) trực tiếp trên đường băng chuyền ICS không tuân thủ yêu cầu hồ sơ mời thầu...
Ngoài ra, theo ACV nhà thầu Hoa Lư bố trí băng chuyền ICS khu vực phân loại hành lý (Sorter) xuống băng chuyền chất xếp hành lý không tuân thủ yêu cầu hồ sơ mời thầu; Khu vực băng chuyền ICS cho hành lý chuyển tiếp (Transfer) không bố trí đường băng chuyền ICS kết nối giữa các nhà ga trong tương lai theo yêu cầu hồ sơ mời thầu; Bố trí băng chuyền ICS vận chuyển và lưu trữ chồng khay trống và thiết bị xếp khay trống và thiết bị tách khay không tuân thủ yêu cầu hồ sơ mời thầu.
"Nhà thầu Hoa Lư không đáp ứng một số loại thiết bị có thông số kỹ thuật, tính năng kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về độ phân giải, độ xuyên thép, tính năng hiệu chỉnh liên tục và tự động; hoặc không có chứng nhận của TSA (Cục an ninh vận tải hoa kỳ)", thông báo của ACV nêu rõ.