Trong 30 năm qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam) đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành Ngân hàng. Hiệp hội đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa ra những phản biện chính sách sắc bén, phù hợp thực tiễn; có những đóng góp quan trọng trong việc đưa hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng đi đúng hướng, đảm bảo sự lưu thông liền mạch trong việc cung cấp dòng vốn cho nền kinh tế.
Bất động sản và ngân hàng đều là những loại hàng hóa đặc biệt của thị trường và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Thị trường bất động sản được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế, giúp tập trung các nguồn lực, tạo ra tài sản cố định cho quốc gia. Sự phát triển của thị trường bất động sản tạo ra động lực tăng trưởng cho các ngành nghề liên quan (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động...), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và phát triển đô thị, du lịch.
Trong khi đó, ngành Ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động của ngành bao trùm và gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho nền kinh tế, song với đặc điểm hoạt động riêng có, ngành Ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế; tác động đến môi trường thông qua các hoạt động nội bộ và tác động bên ngoài thông qua cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngân hàng được xem là nơi cung cấp máu (nguồn vốn) cho cơ thể (thị trường). Tất cả các hoạt động đầu tư kinh doanh đều sử dụng tín dụng, lấy tín dụng làm đòn bẩy để tăng trưởng.
Hai lĩnh vực đặc biệt và quan trọng này có mối quan hệ song hành, gắn bó với nhau. Để thị trường bất động sản phát triển thì sẽ cần nguồn vốn lớn. Theo tính toán của các chuyên gia, khoảng 70% vốn của lĩnh vực bất động sản đến từ vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, bất động sản cũng là kênh quan trọng để tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng. Hai lĩnh vực này có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau để cùng phát triển và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Từ mối liên kết đó của ngành, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam) và Hiệp hội Bất động sản cũng có mối liên hệ chặt chẽ, ảnh hưởng lẫn nhau. Hai Hiệp hội đều là tổ chức ngành nghề có tính chất đặc biệt, đều quản lý thành viên đặc biệt, tạo nên hàng hóa đặc biệt. Do vậy đòi hỏi hai Hiệp hội phải luôn quan sát, hỗ trợ và bắt tay nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển bền vững của các tổ chức hội viên.
Trong 30 năm qua, HHNH Việt Nam đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành Ngân hàng. Hiệp hội đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa ra những phản biện chính sách sắc bén, phù hợp thực tiễn; có những đóng góp quan trọng trong việc đưa hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng đi đúng hướng, đảm bảo sự lưu thông liền mạch trong việc cung cấp dòng vốn cho nền kinh tế. Từ đó, góp phần vào quá trình thực thi, hoàn thành các mục tiêu mà Chính phủ, Nhà nước đặt ra.
Có thể nói, những thành quả mà đất nước đã đạt được thời gian qua, vị thế của Việt Nam, sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam hôm nay có đóng góp quan trọng của HHNH Việt Nam.
Nền kinh tế của chúng ta vừa trải qua những thời điểm vô cùng khó khăn, đặc biệt là giai đoạn COVID-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2022-2023 vừa qua. Dù vậy, Chính phủ vẫn duy trì được các mục tiêu trong điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định được lạm phát, ổn định được tỷ giá và giảm được tối đa tác động của biến động bên ngoài.
Năm 2024 và thời gian tới tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn khi tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Trước những thách thức đó, để ngành Ngân hàng vừa đóng vai trò kinh doanh tiền tệ, vừa giúp sức thị trường ổn định, cân đối, HHNH Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, phản biện chính sách, đánh giá, tổng hợp và đưa ra giải pháp định hướng đúng đắn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tôi tin rằng, HHNH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được của giai đoạn trước, đúc kết bài học quý giá để có chiến lược đúng đắn, giải pháp hiệu quả, giúp hoạt động ngân hàng ngày càng chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả và bền vững.