(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng chậm và lạm phát cao kéo dài, Đông Nam Á là một điểm sáng tích cực, với những điều kiện cơ sở vững chắc, tốc độ tăng trưởng nhanh và một tương lai tươi sáng. HSBC tin rằng Việt Nam có vị thế tốt hơn những quốc gia khác trong khu vực
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam |
Trong bối cảnh toàn cầu đang đi xuống, Báo cáo Triển vọng tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực từ 4,9% lên 5,1%. Một lần nữa, Việt Nam vẫn là một trong những ngôi sao sáng của khu vực với GDP năm 2022 đạt 8%, mức tăng trưởng cao nhất trong 25 năm qua. Song những rủi ro tiềm ẩn như thách thức thương mại, lạm phát,… đã hình thành nên nỗi lo suy thoái kinh tế, đe dọa đến tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm 2023. Tuy vậy, HSBC tin rằng Việt Nam có vị thế tốt hơn những quốc gia khác trong khu vực để đương đầu với cơn bão này, vì Việt Nam đang có nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vững vàng, du lịch được hồi phục, câu chuyện tiêu dùng đang rất mạnh mẽ. Giữa những bất ổn và biến động kinh tế, HSBC kỳ vọng Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 2,1% đến 5,8% trong năm 2023.
Quốc tế hóa là then chốt
Đông Nam Á đã đặt mình vào một ma trận các thỏa thuận thương mại có lợi, trong nội bộ châu Á, với châu Âu và Bắc Mỹ. Khu vực này đang nằm giữa hai trong số các hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có độ phủ toàn bộ khu vực Đông Nam Á; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với các thành viên là Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Sự cởi mở và chủ nghĩa quốc tế đã mang lại những kết quả tích cực: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên là khối thương mại phát triển nhanh nhất thế giới và hiện chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu. Xét về mặt tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ASEAN hiện chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn cầu, gần bằng với Trung Quốc đại lục. Trong báo cáo ASEAN NEXT của HSBC, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng đã nhận định, Việt Nam là một câu chuyện thành công về các nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI. Chiến lược thu hút FDI cạnh tranh và những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng, yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị.
Nhưng những lợi ích này đang bị đe dọa do các lực lượng chủ nghĩa bảo hộ đang tập hợp sức mạnh, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. Tại các cuộc họp APEC và G20 trong năm nay, những nhà lãnh đạo toàn cầu đã tái cam kết tuân thủ các nguyên tắc thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương, các yếu tố đã mang lại những cải thiện đáng kinh ngạc về tiêu chuẩn sống ở các nền kinh tế phát triển, giúp hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo ở các thị trường đang phát triển trong 50 năm qua.
Ba yếu tố thu hút nhiều sự quan tâm của quốc tế: Nhân khẩu học, Kỹ thuật số và Tính năng động
Đông Nam Á hiện có 680 triệu dân, nhiều hơn dân số EU 50% và hơn gấp đôi so với Mỹ. Người dân ngày càng trở nên giàu có với trình độ dân trí cao, lực lượng lao động ngày càng lành nghề và mức lương cạnh tranh. Một tập dân số trẻ và dịch chuyển ngày càng nhiều sẽ tạo ra tầng lớp tiêu dùng ngày càng gia tăng trong những năm tới. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Đông Nam Á sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiêu dùng mới vào năm 2030. Trong báo cáo phát hành vào tháng 9/2022, HSBC dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ gia nhập Top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu, với khoảng 48 triệu người dân có thu nhập hàng ngày trên 20 USD.
eMarketer dự đoán doanh số bán hàng thương mại điện tử của khu vực sẽ vượt mốc 100 tỷ USD trong năm nay |
Những người tiêu dùng mới này sẽ được trao quyền và kết nối bởi các cơ hội số ngày càng tinh vi. Một báo cáo chung của Google, Temasek và Bain & Co., chỉ ra rằng, số lượng người truy cập trực tuyến cũng tăng với tốc độ chóng mặt. Ước tính có khoảng 40 triệu người dùng internet mới vào năm 2020 – 2021. eMarketer dự đoán, doanh số bán hàng thương mại điện tử của khu vực sẽ vượt mốc 100 tỷ USD trong năm nay.
Kiến tạo sự thịnh vượng đang được thúc đẩy bởi một khu vực luôn có tinh thần khởi nghiệp táo bạo, đồng thời giờ đây còn có nguồn lực đầu tư vào tăng trưởng kinh doanh. Theo nghiên cứu của HSBC, tổng tài sản tài chính ở Việt Nam có thể tăng ít nhất 150% vào cuối thập kỷ này. Vào năm 2030, hơn 2 triệu người trưởng thành ở Việt Nam có thể sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 500.000 USD, dự kiến số người trưởng thành nắm giữ khối tài sản trị giá ít nhất 250.000 USD sẽ tăng hơn gấp đôi.
Bất chấp những quan ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Khi thế giới dần trở lại bình thường và các hạn chế đi lại được nới lỏng, khu vực này có thể sẽ nhận được sự thúc đẩy đáng kể, đặc biệt là đối với các nền kinh tế chú trọng du lịch.
Thách thức dài hạn: Biến đổi khí hậu
Triển vọng tươi sáng không đồng nghĩa với việc Đông Nam Á miễn nhiễm với những thách thức đang lan rộng. Lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhu cầu xuất khẩu và những thách thức địa chính trị làm gia tăng thêm mức độ bất ổn, ngay cả khi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mang lại sự hỗ trợ ngay lập tức cho các quốc gia như: Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Nhưng về lâu dài, thách thức lớn nhất phải đối mặt chính là biến đổi khí hậu. Đông Nam Á là một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất thế giới khi đối mặt với sự nóng lên toàn cầu nói chung và mực nước biển dâng cao nói riêng. Về mặt kinh tế, ADB ước tính rằng, nếu không được kiểm soát, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 11% GDP của Đông Nam Á vào cuối thế kỷ này. Nhưng khu vực cũng đang thể hiện những cam kết rất rõ ràng, tất cả 10 quốc gia ASEAN đều đã ký kết Hiệp định Paris và ASEAN đã cam kết tạo ra 23% năng lượng tái tạo sơ cấp vào năm 2025.
Bất chấp “sự càn quét” của đại dịch toàn cầu trong vài năm qua và những bất ổn khác của thị trường, chúng tôi nhìn nhận những năm tới là thời kỳ đầy hứa hẹn đối với Đông Nam Á, tràn ngập những cơ hội tiềm năng từ phát triển bền vững và công nghệ kỹ thuật số hướng đến thương mại và sự gia tăng tài sản.
Để mở khóa những tiềm năng này, không phải chỉ thấu hiểu tính năng động và đa dạng của từng thị trường, mà còn cần phải tìm cách giúp các doanh nghiệp ở các thị trường kết nối và hợp tác cùng nhau, từ lĩnh vực ô tô ở Thái Lan và sản xuất điện tử ở Việt Nam đến tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia và các dịch vụ tài chính ở Singapore.