Việt Nam còn nhiều dư địa trong hoạch định chính sách kinh tế

Thanh Hương (thực hiện)| 23/01/2019 09:50
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có buổi phỏng vấn ông Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - để có thêm góc nhìn về nền kinh tế cũng như thị trường tài chính năm 2019.

Phóng viên (P/V): Ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018?

Ông Trương Văn Phước: Trong mấy năm gần đây, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ điều hành đều vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta đang đi đúng hướng.

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 7% trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn như: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 4 lần khiến USD tăng giá làm nhiều nền kinh tế mới nổi phải thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tỷ giá biến động mạnh, một số đồng tiền mất giá nhiều… Trong khi đó, kinh tế vĩ mô nước ta vẫn được giữ vững, đồng VND và tỷ giá ổn định.

Ông Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã có nhiều cải cách kinh tế, đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh. Việc Chính phủ kiên quyết yêu cầu cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã tạo động lực tăng trưởng, tận dụng tốt nhiều thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Dự báo năm 2019, trong điều kiện kinh tế thế giới diễn biến khó lường, tôi cho rằng, chúng ta vẫn có nhiều điểm thuận lợi, đó là: Giá xăng dầu năm 2019 sẽ không tăng cao như năm 2018; CSTT nhiều nước sẽ thận trọng, đặc biệt là Mỹ sẽ duy trì để kinh tế tăng trưởng như hiện nay. Đây là những nhân tố giúp lạm phát toàn cầu và khu vực các nền kinh tế mới nổi giảm.

Có rất nhiều điều kiện để Việt Nam giữ lạm phát dưới 4%, cũng như tăng trưởng đạt 7% như: ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ trong năm 2018 tuy giảm tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn có nhiều điều kiện để phát triển trong năm 2019. Năm 2018, nông nghiệp cũng phát triển tốt tạo đà cho sự phát triển trong năm 2019. Cùng với các chính sách kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả, đó là những cơ sở chủ yếu để tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt từ 6,9 - 7,1%.

P/V: Thưa ông, những thách thức mà kinh tế nước ta phải đối mặt trong năm 2019 là gì?

Ông Trương Văn Phước: Hiện nay, thách thức lớn của Việt Nam nằm trong thách thức của kinh tế thế giới vì Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Lo ngại nhất của kinh tế thế giới hiện nay là cuộc chiến thương mại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh, trong đó có Việt Nam. Nếu như năm 2017, khối lượng thương mại tăng 5,2%, trong năm 2018 chỉ còn 4,2%; dự báo năm 2019 giảm xuống còn 4% hoặc thậm chí thấp hơn, trong khi đó, tăng trưởng Việt Nam lại dựa vào nhiều xuất khẩu. Nếu quy mô thương mại toàn cầu giảm chắc chắn xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp khó khăn – đây là thách thức đáng lo ngại. Tuy nhiên, ngày 30/1/2019, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các vòng đàm phán, trước mắt, Mỹ đã ngừng áp dụng thuế suất 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Thách thức lớn hơn nữa là tính thích ứng, linh hoạt của kinh tế nước ta ở góc độ chính sách vĩ mô như thế nào để loại trừ những khó khăn, để khơi dậy tiềm năng của nền kinh tế.

P/V: Mới đây, FED tiếp tục tăng lãi suất, động thái này  sẽ tác động diễn biến tỷ giá trong thời gian tới ra sao?

Ông Trương Văn Phước: Chính sách tiền tệ (CSTT) của Mỹ dựa vào 2 nhân tố: lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Trong những năm trước, Mỹ đã đưa lãi suất chính sách xuống 0% làm cho chi phí vốn nền kinh tế thấp, kích hoạt các dòng vốn đầu tư và chính các dòng vốn đầu tư mới này làm kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,2-1,3%, đến nay tăng trưởng đã đạt 2,9-3%. Điều đó nói lên rằng, chính sách lãi suất có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Mỹ cũng tính toán nếu lạm phát vượt qua 2%, hoặc thất nghiệp của Mỹ giảm dưới 4% có thể nền kinh tế đã nóng lên. Đó là nguyên nhân để FED điều chỉnh lãi suất.

Chủ tịch FED Jerome Powell đã nói rằng: “CSTT của Mỹ như đứng ở trong phòng đèn tắt tối om và cần dò dẫm từng bước, nếu không tăng lãi suất từng bước sẽ tác động tiêu cực lên kinh tế”. Ngày 19/12/2018, Chủ tịch FED cũng có nói nếu tăng lãi suất trong năm 2019 thì chỉ tăng 1 lần nữa. Bởi Mỹ xác định lãi suất trung hòa là 2,75%, hiện đã lên mức 2,50%, chỉ còn dư địa là 0,25%.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng, đồng USD sẽ không tăng mà thậm chí chỉ giảm giá. Đồng USD rớt giá sẽ làm giá cả hàng hóa thế giới giảm, giá xăng dầu giảm tác động đến nền kinh tế đang hội nhập và Việt Nam có nhiều thuận lợi để kiềm chế lạm phát thấp hơn mức năm 2018 (3,6%). Nói cách khác, chúng ta có nhiều dư địa hơn trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng lạm phát thấp và tăng trưởng cao hơn.

P/V: Ông đánh giá như thế nào khi ở Việt Nam thị trường vốn còn quá yếu so với thị trường tiền tệ?

Ông Trương Văn Phước: Ở một thị trường tài chính hoàn hảo có 2 cấu phần: thị trường tiền tệ (thị trường vốn ngắn hạn); thị trường vốn (thị trường dành cho các khoản vốn dài hạn) là thị trường mà các công cụ, thiết chế phải tiếp cận với các thông lệ quốc tế. Có nghĩa là các công cụ phải đầy đủ hơn, thị trường hoạt động hoàn hảo hơn.

Ở Việt Nam có điểm hơi khác, đó là thị trường tài chính trong thời gian qua, phần lớn dòng vốn tập trung ở thị trường tiền tệ, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, thị trường vốn có những chuyển động tốt, thể hiện qua giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK).

Trong năm 2018, thị trường tài chính chuyển biến tốt; thị trường tiền tệ giải quyết cơ bản nợ xấu, hoạt động các TCTD đã tốt hơn; thị trường vốn đã có sự chuyển biến khá tốt, cụ thể là ứng dụng các công cụ phái sinh trong kinh doanh mua bán chứng khoán.

Theo tôi, chúng ta nên đi theo con đường này để dần dần mở cửa thị trường tài chính, áp dụng các chuẩn mực quốc tế để các dòng vốn huy động ngắn hạn từ xã hội của ngân hàng cho vay trung, dài hạn được giảm xuống phù hợp với sự tăng trưởng và thúc đẩy phát triển của thị trường vốn.

Giải pháp căn cơ nhất để thị trường vốn phát triển vẫn là áp dụng các chuẩn mực, công cụ, dịch vụ tài chính theo hướng chuẩn mực quốc tế, làm như vậy từng bước trong vòng 3-5 năm tới sẽ giảm dòng vốn ngắn hạn đi vào nền kinh tế, thể hiện qua chỉ số tăng trưởng tín dụng trên GDP.

Tăng trưởng tín dụng/GDP của Việt Nam đạt khoảng 131% - đây là mức chấp nhận được. Điều quan trọng là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng có thể hỗ trợ cho tăng trưởng để dòng vốn đó đi vào sản xuất, kinh doanh, không chảy quá nhiều vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, đầu cơ chứng khoán… 

P/V: Đánh giá của ông về thị trường chứng khoán năm 2019?

Ông Trương Văn Phước: Năm 2018, thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh do 2 nguyên nhân chính: FED tăng lãi suất và chiến tranh thương mại.

Thứ nhất, lãi suất của Mỹ tăng khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là các quỹ đầu tư, đồng thời TTCK của Mỹ tác động đến TTCK nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam; thứ hai, chiến tranh thương mại kéo dài, chưa có thể phân tích rõ ràng ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ được hưởng lợi và ảnh hưởng tiêu cực. Chính vì vậy, nhà đầu tư có sự dao động rất lớn.

Đối với Việt Nam, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với TTCK là khá cao, vì lạm phát của nước ta thấp; tỷ giá ổn định. Nên dù có dao động bước đầu, nhà đầu tư vẫn giữ vốn, không có chuyển dịch vốn ra khỏi thị trường.

Bước sang năm 2019, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ suy giảm, riêng nền kinh tế Mỹ có 2 luồng ý kiến: (1) tăng trưởng kinh tế sẽ giảm, từ mức 2,9% năm 2018, năm 2019 còn 2,5%; (2) nhưng các cố vấn của Tổng thống Donald Trump thì không đồng tình và cho rằng, hãy xem các chính sách của Tổng thống Donald Trump sẽ giúp Mỹ tăng trưởng; ngày 21/12/2018, Chủ tịch FED đã nói rằng, chính sách lãi suất của FED là đúng đắn và sẽ làm cho tăng trưởng của Mỹ ổn định.

Với những phân tích trên, tôi tin tưởng TTCK Việt Nam vẫn tích cực, mặc dù theo quy luật lãi suất USD tăng thì TTCK giảm và ngược lại.

P/V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam còn nhiều dư địa trong hoạch định chính sách kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO