Hoạt động ngân hàng

Ngành ngân hàng tỉnh An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

ThS.Trần Trọng Triết 13/12/2024 - 15:37

Năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, mà trong tâm là thanh toán không dùng tiền mặt gắn với nâng chất lượng dịch vụ, bảo mật thông tin, khuyến khích các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cùng tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng số, tham gia vào môi trường số an toàn, hiệu quả.

Chia sẻ về những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trên hành trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang, cho biết: Hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã kịp thời đáp ứng yêu cầu thanh toán không tiếp xúc trực tiếp trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang với hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích phát triển mạnh mẽ đã đi tiên phong trong việc TTKDTM ở kênh mua sắm hiện đại này.

Ðặc biệt, sau dịch COVID-19 mọi người nhận ra rằng, dù không còn hạn chế tiếp xúc nhưng TTKDTM mang đến nhiều lợi ích cho xã hội. Do vậy, hoạt động TTKDTM tiếp tục được duy trì và phát triển nhanh chóng, không còn giới hạn ở phạm vi thanh toán tại các kênh mua sắm hiện đại mà dần lan tỏa đến các chợ truyền thống, trong mọi loại hình kinh doanh dịch vụ, mua sắm hằng ngày của người dân. Trong đó, nhóm người tiêu dùng trẻ là những người tiếp cận với TTKDTM nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trên địa bàn hiện có hơn 85% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng (TCTD) được cấp phép khác.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết hoạt động chuyển đổi số nói chung và TTKDTM nói riêng trên địa bàn đã đạt được những dấu ấn quan trọng nào?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: thời gian qua, công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng phát triển mạnh mẽ xuất phát từ chính nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng. Bởi lẽ một bên là khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ và bên còn lại là ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ không ngừng đầu tư phát triển nền tảng số, cung cấp dịch vụ số để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Các ngân hàng không chỉ khuyến khích khách hàng chuyển đổi từ thanh toán truyền thống sang thanh toán số mà còn phát triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh, tích hợp nhiều tính năng thanh toán, giảm phí dịch vụ, áp dụng các chương trình ưu đãi, giảm giá khi thanh toán qua ứng dụng ngân hàng số…

554b250287a83df664b9.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang

Trên lĩnh vực dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp cũng dần chuyển sang TTKDTM. Qua đó vừa góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số theo chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang về triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QÐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Ðề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”.

Bên cạnh đó, thực hiện Ðề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, xác minh, xác thực thông tin khách hàng và sử dụng cho nhiều hoạt động ngân hàng khác trên môi trường số. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu về dân cư, CCCD gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) để làm sạch dữ liệu, nhận biết, xác minh chính xác khách hàng nhằm phòng, chống, ngăn ngừa việc tội phạm mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp; đồng thời, nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn nhất đến với người dân, khách hàng… Qua đó góp phần minh bạch thông tin khách hàng, giúp các ngân hàng ngăn chặn tình trạng sử dụng dữ liệu cá nhân để mở tài khoản, lừa đảo qua hệ thống ngân hàng…

Phóng viên: Vậy các TCTD trên địa bàn đã triển khai chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Hiện nay, trên địa bàn An Giang có một số ngân hàng thương mại đã đăng ký cho vay theo hình thức tín chấp và xét duyệt hồ sơ vay dựa trên cơ sở dữ liệu cá nhân đối với khách hàng có tài khoản VNeID. Hằng tháng, đơn vị đều thống kê kết quả cho vay tiêu dùng bằng hình thức tín chấp gửi Công an tỉnh để ghi nhận, đánh giá công tác phối hợp thực hiện Ðề án 06 của ngành Ngân hàng. Nhờ khai thác dữ liệu từ tài khoản VNeID, các TCTD có thể tiết kiệm thời gian đối chiếu, thẩm định nhân thân của khách hàng, hạn chế tình trạng cho vay không đúng đối tượng, lừa đảo, nợ xấu…, rút ngắn thời gian, thủ tục cho vay.

Khách hàng cũng thuận lợi hơn khi chứng minh được nhân thân, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng tín chấp nhanh chóng, kịp thời. Ðồng thời hạn chế tình trạng cá nhân mở, cho thuê hoặc bán tài khoản ngân hàng cho người khác để lợi dụng thực hiện các hành vi trái pháp luật hoặc một cá nhân mở nhiều tài khoản khác nhau để vay tín chấp mà không có khả năng trả nợ.

Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình chuyển đổi số, ngành Ngân hàng có biện pháp nào để tăng cường bảo vệ khách hàng giao dịch trên môi trường mạng?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Ngân hàng đã nhận thấy tình trạng tấn công mạng, mất tiền trong tài khoản khách hàng và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nổi lên trong thời gian gần đây được các phương tiện truyền thông đưa tin. Nguyên nhân của các sự việc xảy ra có thể đến từ cả phía khách hàng và ngân hàng, nhưng đều sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chung của nhiều khách hàng về chất lượng dịch vụ, mức độ an tâm đối với tài sản được gửi tại ngân hàng.

Việc ứng dụng giải pháp xác thực sinh trắc học trong hệ thống giao dịch ngân hàng theo Quyết định số 2345/QÐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là một biện pháp mới nhằm làm sạch tài khoản, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và bảo vệ tài sản khách hàng.

Bên cạnh đó, với việc ban hành Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024, quy định về an toàn, bảo mật, cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như Internet Banking, Mobile Banking, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ trung gian thanh toán khác sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn, bảo mật cho khách hàng.

Với công nghệ ngày càng phát triển, tội phạm công nghệ sẽ có nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn, do đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa các lớp bảo vệ trong thanh toán, đầu tư nhiều hơn vào công nghệ bảo mật, kịp thời khắc phục sơ hở, lỗ hổng của hệ thống thông tin, giám sát và quản lý rủi ro an ninh mạng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức, cảnh báo và hướng dẫn khách hàng tự phòng vệ trước các chiêu trò lừa đảo, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Có thể nói, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và ngân hàng sẽ giúp các bên cùng tham gia vào môi trường số an toàn hiệu quả và cùng hưởng lợi từ tiến trình chuyển đổi số.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành ngân hàng tỉnh An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO