Việt Nam đứng thứ 4 về tiêu thụ mì gói toàn cầu chỉ sau Indonesia và hai nước tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhu cầu mì ăn liền toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 121,2 tỷ gói trong năm ngoái, theo những số liệu ngành mới công bố, tăng 7 năm liên tiếp và lập nhiều mức cao kỷ lục mới.
Số lượng gói mì bán ra trên toàn cầu trong năm 2022 tăng gần 2,6% so với năm 2021, theo số liệu của Hiệp hội Mì gói Thế giới (WINA) trụ sở tại Osaka – Nhật. Con số này được tính toán dựa trên số liệu từ khoảng 56 quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) là thị trường mì gói hàng đầu thế giới trong năm ngoái. Indonesia đứng thứ 2, sau đó đến Ấn Độ, Việt Nam và Nhật.
Năm 2020, khi nhiều người bị buộc phải ở nhà do đại dịch COVID-19, nhu cầu mì gói toàn cầu tăng đột biến 9,5%. Mức tăng này giảm còn 1,4% trong năm 2021 và lại tăng mạnh trong năm 2022.
Trong năm ngoái, giá thực phẩm tại nhiều nước tăng do lạm phát cao, chính vì vậy nhiều người tiêu dùng tìm đến mì ăn liền, một lựa chọn giá cả hợp lý.
Mexico đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng nhu cầu mì gói, tăng đến 17,2% trong năm 2021 và 11% trong năm 2022. Ngược lại, tại thị trường Bắc Mỹ, nhu cầu giảm 1,4% trong năm 2021 và sau đó mức tăng trưởng này hồi phục lên 3,4% trong năm 2022.
Mì gói vốn phổ biến khắp châu Á nơi mà các món đồ ăn có nước đã trở thành một phần của văn hóa, tuy nhiên nhu cầu sản phẩm mì gói cũng đang ngày một lớn hơn tại những nước như Mỹ và Mexico, nơi mà văn hóa này trước đây không tồn tại.
“Những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu không ăn mì ăn liền trước đây giờ đang quen dần hơn với việc có nó trong cuộc sống hàng ngày của họ, lý do chính bởi lạm phát”, đại diện công ty sản xuất mì ăn liền của Nhật – Nissin Foods phát biểu.
Kết quả kinh doanh đã thể hiện rõ điều này, Nissin Foods và doanh nghiệp mì tôm khác đầu ngành của Nhật Toyo Suisan đều công bố lợi nhuận từ các thị trường ngoài Nhật tăng vọt trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023. Cả hai công ty này có kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Mỹ trước năm 2025 để đáp ứng cho nhu cầu tại Mỹ và Mexico tăng dần.
“Số lượng khách hàng thường xuyên ăn mì ăn liền đang tăng lên và chúng tôi sẽ bổ sung thêm nhiều hương vị mới”, Toyo Suisan nhấn mạnh.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp mì ăn liền lớn tăng giá khoảng 10% và đến năm 2023 tăng giá thêm 10% nữa bởi giá nguyên liệu và đóng gói tăng cao. Việc giá tăng liên tiếp 10% trong liền 2 năm khá bất thường, tuy nhiên, khối lượng bán cũng không giảm nhiều.
Ngoài những sản phẩm mì ăn liền có giá cả phải chăng, người tiêu dùng còn muốn những sản phẩm có thể giúp họ tiết kiệm thời gian đồng thời mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Các nhà sản xuất mì ăn liền đang nỗ lực cải tiến sản phẩm bằng cách làm cho chúng có nhiều dinh dưỡng hơn và sử dụng nguyên liệu tốt hơn.
Theo báo cáo gần đây của Vantage Market Research (Ấn Độ), thị trường mì ăn liền toàn cầu đạt giá trị 52,65 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 79,58 tỷ USD vào năm 2030. Báo cáo cho biết tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của ngành đạt mức trung bình 5,3% trong giai đoạn từ nay cho đến cuối thập niên này