Chứng khoán

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

Mai Hương 24/04/2024 - 16:31

Chuỗi 4 phiên giao dịch dưới mốc 1.200 điểm đã tạm thời được cắt đứt. VN-Index đã xuất hiện một phiên tăng hơn 2% giúp cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, cũng như nhóm đã bắt đáy có được sự nhẹ nhõm trong tâm lý giao dịch.

screenshot-2024-04-24-153857.png

Định vị thị trường

Chỉ khi có những sự đồng thuận từ diễn biến của chứng khoán châu Á, VN-Index mới phát ra tín hiệu rõ ràng hơn cho việc tạo đáy. Giống như nhiều chỉ số chứng khoán như NIKKEI 225 (+2,42%), KOSPI (+2,02%), TWSE (+2,72%), trong phiên hôm nay (ngày 24/4) VN-Index cũng tăng trên 2% và đóng cửa trên mốc 1.200 điểm.

Sau 4 phiên liên tiếp ngụp lặn dưới mốc này cùng nhiều nỗi sợ, thị trường dường như đã lấy lại khá nhiều sự tự tin. Ngoài các mã ngân hàng, chứng khoán còn có các mã thép, bất động sản, công nghệ, đầu tư công cũng tham gia vào nỗ lực hồi hồi phục.

Chất xúc tác

Việc chỉ số DXY gặp ngưỡng kháng cự mạnh tại 106 điểm đang khiến đà tăng của đồng USD bị ghìm lại. Tỷ giá tự do sau khi gần chạm 25.900 VND/USD cũng đã có sự hạ nhiệt, giảm về gần 25.700 VND/USD.

Tuy nhiên, việc điều hành của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) vẫn cần tiếp tục được duy trì để hỗ trợ thị trường đi qua giai đoạn căng thẳng về tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng.

Trong phiên hôm qua, NHNN chào thầu 36.000 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất tăng lên mức 4,25% trên kênh cầm cố. Có 35.999,99 tỷ đồng trúng thầu, có 11.999,93 tỷ đồng đáo hạn.

Trong khi đó, có 2.150 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,73% và 3.700 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn phiên hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 26.550,06 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 61.250 tỷ đồng, trên kênh cầm cố tăng lên mức 53.427,76 tỷ đồng.

Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng cho thấy thanh khoản của hệ thống trước kỳ nghỉ lễ cũng còn khá nóng. Kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 4,27% trong khi kỳ hạn 1 tháng đạt 4,79%.

Với dòng tiền ngoại, hoạt động bán ròng chịu ảnh hưởng lớn từ giao dịch thỏa thuận bán FUEVFVND hơn 900 tỷ đồng. Vì vậy, bất chấp HPG (+164 tỷ đồng), MWG (+160 tỷ đồng), VND (+91 tỷ đồng) dù được mua vào khá tốt nhưng vẫn bị lu mờ trước FUEVFVND. Tính chung cả sàn, khối ngoại đã rút ròng 251 tỷ đồng.

3ex-2024-04-24.png
Đóng góp của khối ngoại chiếm 13,22% tổng giao dịch 2 chiều toàn sàn.

Vận động thị trường

Sắc xanh đã xuất hiện khá tích cực từ phiên sáng nay thể hiện sự hòa nhập của thị trường Việt Nam với diễn biến khu vực. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ thể hiện sự tự tin rõ ràng hơn vào phiên chiều.

Ở nhóm ngân hàng, sau khi nhiều mã đã giảm về vùng nền đầu năm, các mã đã bật lên khá mạnh tại CTG (+4,6%), TPB (+4,3%), STB (+2,9%), LPB (+2,7%), OCB (+2,6%), MBB (+2,5%), SHB (+2,3%).

Đi cùng ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng không bỏ lỡ thời cơ để tăng giá với VND, FTS, CTS tăng trên 5% còn HCM, AGR, VCI, VIX cùng tăng trên 4%.

Điểm khác biệt so với phiên tăng đầu tuần là không chỉ ngân hàng, chứng khoán tăng giá, nhiều nhóm ngành như công nghệ, bất động sản, thép, bán lẻ, đầu tư công cũng trút bỏ được nỗi sợ. FPT, DIG, PDR, NLG, TCH, DXG đã tăng trần trong khi đó các mã DGW, NKG, FRT, HHV, CTR cùng tăng trên 4%.

Sắc xanh áp đảo trên toàn HOSE với gần 80% mã tăng giá. VN-Index tăng tới 27,93 điểm lên 1.205,33 điểm (+2,37%), đồng thời cũng lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên bị nhà đầu tư bán tháo ra.

Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 19.846 tỷ đồng, tuy nhiên có hơn 3.000 tỷ đồng thỏa thuận. Nếu loại đi giao dịch thỏa thuận, khớp lệnh của sàn vẫn còn ở dưới mức bình quân 20 phiên. Điều này cho thấy, dòng tiền trên thị trường vẫn cần thêm thời gian để lấy lại sự sôi động giai đoạn trước.

Trên HNX và UPCoM, sắc xanh cũng xuất hiện trên diện rộng với các mã điểm nhấn như SHS (+3,91%), MBS (+3,75%), PVS (+3,15%), CEO (+7,47%), VGI (+6,23%), DDV (+4,23%). Chỉ số HNX-Index hồi phục 2,35% trong khi UPCOM-Index tăng 0,93%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 2.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO