Thông tin Ngân hàng Nhà nước tổ chức chào thầu tín phiếu chiều ngày 11/3 đã xuất hiện và thị trường tiếp tục có sự điều chỉnh về điểm số. Dù vậy, nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng không xảy ra tình trạng bán tháo.
Định vị thị trường
Khá nhiều thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 11/3). KOSPI (-0,77%), STI (-0,36%), SET (-0,33%), TWSE (-0,3%) đều giảm điểm trong khi đó thị trường mạnh nhất khu vực là Nhật Bản giảm tới 2,19%.
Việc các nhà điều hành chính sách tiền tệ tại Nhật Bản cảnh báo có thể kết thúc thời kỳ lãi suất âm đã tác động vào vận động của NIKKEI 225. Dù vậy, cũng cần lưu ý về trạng thái đang ở vùng đỉnh thời đại của chứng khoán Nhật Bản nên việc xuất hiện rung lắc là điều khó tránh khỏi.
Diễn biến rung lắc vùng đỉnh thậm chí còn đến sớm hơn với thị trường Việt Nam từ tuần giao dịch trước. Nhịp giảm đầu tuần là sự nối tiếp của quán tính đã có. Dù vậy, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên hôm nay (ngày 11/3) vẫn ở ngay trên đường xu hướng ngắn hạn, cho thấy thị trường chưa có chuyển biến tiêu cực.
Chất xúc tác
Thông tin đáng chú ý nhất phiên giao dịch hôm nay là việc Ngân hàng Nhà nước đã quay lại với hoạt động chào thầu tín phiếu. CTCK VDS gần đây cũng đưa ra quan điểm không quá quan ngại về áp lực mất giá tiền đồng do tỉ giá USD - VND vẫn biến động trong biên độ cho phép.
Dù vậy, VDS cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng.
Thị trường thực tế đã phản ánh vào sự biến động của phiên thứ Sáu tuần trước với quy mô giao dịch trên 32.000 tỷ đồng. Sang đến phiên đầu tuần này, thanh khoản đã sụt giảm nhưng vẫn duy trì trên mức bình quân 20 phiên.
Nhóm nhà đầu tư ngoại không có phản ứng khác thường khi đóng góp tỷ trọng giao dịch 2 chiều là 8,25%. Thậm chí, sau 4 phiên bán ròng, khối ngoại còn quay trở lại giải ngân gần 250 tỷ đồng trên HOSE. Các mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất là FRT (+97 tỷ đồng), FTS (+62,85 tỷ đồng), EIB (+65,85 tỷ đồng), DBC (+50 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Các cổ phiếu FRT (+5,82%), FTS (+2,7%), EIB (+1,41%), DBC (+4,08%) vẫn tăng giá khá tốt nhờ sự tham gia của khối ngoại. Trong số này, FTS đáng chú ý nhất khi vừa lọt vào rổ chỉ số của quỹ VanEck ETF. Ước tính, quỹ sẽ cần phải mua mới khoảng 3,2 triệu cổ phiếu FTS và trong phiên hôm nay đã có khoảng 1 triệu cổ phiếu được khối ngoại mua ròng.
Ngoài các mã trên, CTR (+6,94%), PHR (+4,3%), CSV (+3,7%), IDI (+4,84%), GVR (+1,9%), PTB (+3,07%) cũng là những điểm đến giúp nhà đầu tư "tránh bão".
Thực tế, các cổ phiếu lớn vẫn tác động khá mạnh tới thị trường chung. Nhóm cổ phiếu VN30 giảm tới 1,21% khi trong rổ này xuất hiện 25/30 mã giảm giá.
Các mã ngân hàng vẫn là tâm điểm chú ý trong nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, VCB (-1,1%), MBB (-2,8%), BID (-1,2%), TCB (-1,5%), STB (-1,5%), CTG (-1%), ACB (-1,1%) đều chỉ giảm giá trong biên độ không quá lớn. 3 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong VN30 thực tế không phải là ngân hàng, đó là VRE (-3,5%), BCM (-3,2%), MWG (-2,8%).
Số lượng lớn các cổ phiếu cũng chịu ảnh hưởng theo như PAN (-4,44%), KBC (-3,02%), PVD (-2,44%), PDR (-2,14%), GEX (-2,21%), HSG (-2%)… Tổng cộng, sắc đỏ phủ hơn 70% số mã trên HOSE.
Tuy nhiên, nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư được kiểm soát tốt khi vẫn xuất hiện lực mua đối ứng khá tốt. Kết hợp với trạng thái, đan xen các cổ phiếu đi ngược thị trường kể trên, sự điều chỉnh vẫn nghiêng về chiều hướng lành mạnh.
Chỉ số VN-Index đóng cửa ở ngay đường xu hướng ngắn hạn, đạt 1.235,49 điểm (-0,95%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 23.857 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index giảm 1,05% và 0,63%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.700 tỷ đồng.