Chiều ngày 19/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Viện Đào tạo và Nghiên cứu (ĐT&NC) BIDV và Học viện Tài chính - Ngân hàng Đài Loan (TABF) tổ chức chương trình đào tạo “Các thông lệ tốt nhất trong nghiệp vụ khách hàng doanh nghiệp: Thông tin chuyên sâu và chiến lược cho thị trường Việt Nam”.
Tham dự chương trình có: Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện ĐT&NC BIDV; bà Amy H. Fang, Phó Giám đốc Viện Kinh doanh đối ngoại, Học viện Tài chính - Ngân hàng Đài Loan (TABF); cùng sự tham gia của Đoàn cán bộ các ngân hàng thương mại (NHTM) Đài Loan, Trung Quốc tham dự Chương trình Phát triển Tài năng Toàn cầu (ITDP) năm 2023.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ niềm vinh dự khi Đoàn ITDP Đài Loan đã chọn Việt Nam là điểm đến để thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng.
Đại diện VNBA cho biết, VNBA và Hiệp hội Ngân hàng Đài Loan (BAROC) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2016. Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ này, hai bên đã phối hợp triển khai một số hoạt động như: VNBA tổ chức đoàn công tác thăm và làm việc tại Đài Loan năm 2018 để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của 2 phía; năm 2021, VNBA phối hợp với BAROC và Học viện Tài chính - Ngân hàng Đài Loan (TABF) tổ chức chương trình đào tạo về nội dung "Định giá tài sản đảm bảo”, với hơn 1.000 học viên của các TCTD Đài Loan và Việt Nam tham gia.
Sau đó, do tình hình dịnh bệnh COVID-19 nên các hoạt động hợp tác giữa 2 phía bị gián đoạn.
Tiếp nối những thành quả hợp tác của các năm trước, đây là sự kiện thứ 2 trong năm mà VNBA làm việc với các đại diện NHTM Đài Loan. Trước đó, trong chuyến thăm ngắn tại Đài Loan từ ngày 24-28/8/2023, VNBA đã có cơ hội thăm và làm việc tại Bank of Taiwan và BAROC để trao đổi về kế hoạch hợp tác giữa 2 phía trong thời gian tới.
VNBA đánh giá rất cao mục tiêu và tầm quan trọng của Chương trình đào tạo ITDP do Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan và BAROC có sáng kiến tổ chức hằng năm.
“VNBA và BAROC hy vọng rằng, với vai trò của mình, trong thời gian tới sẽ nỗ lực kết nối để các TCTD Đài Loan và Việt Nam có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực đang rất được quan tâm hiện nay trong ngành tài chính – ngân hàng, ví dụ như: Quản trị rủi ro và an ninh mạng; Fintech và chuyển đổi số; tuân thủ và phòng, chống rửa tiền; ESG và tài chính bền vững”, ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ.
Phát biểu tại sự kiện, bà Amy H. Fang giới thiệu, ITDP là sáng kiến do Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan (FSC) ủy quyền nhằm củng cố sức cạnh tranh của Đài Loan trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu. ITDP cam kết thúc đẩy đổi mới kinh doanh trong cộng đồng ngân hàng Đài Loan với hàng loạt hội thảo đào tạo kết hợp với chuyến tham quan học tập ở nước ngoài và báo cáo dự án theo nhóm ở cuối mỗi chương trình. Đồng thời, ITDP mong muốn cung cấp những góc nhìn hướng tới tương lai về tiềm năng của cộng đồng theo cách hướng quá trình học tập trở nên đổi mới và hiệu quả để nắm bắt các cơ hội và quản lý các thách thức trong bối cảnh đang thay đổi trong hoạt động kinh doanh ngân hàng toàn cầu.
Bà Amy H. Fang đánh giá: “VNBA là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, hợp tác, hỗ trợ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Còn Viện ĐT&NC BIDV là đơn vị đầu mối trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và hoạt động của hệ thống về dịch vụ tài chính - ngân hàng và hợp tác quốc tế. Do đó, tại chương trình đào tạo hôm nay, chúng tôi mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam”.
Chia sẻ tổng quan về hệ thống tài chính-ngân hàng Việt Nam trong báo cáo “Thị trường tài chính và khách hàng doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện ĐT&NC BIDV - cho biết, ngành Ngân hàng Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển nhanh chóng, chỉ từ 2 ngân hàng thương mại trước năm 1988 nhưng đến tháng 9/2023 đã lên khoảng: 162 ngân hàng và văn phòng đại diện; 26 công ty tài chính, cho thuê tài chính và 1.180 quỹ tín dụng; trong đó 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) giữ vai trò chủ lực của hệ thống.
Hiện nay, ngành Ngân hàng Việt Nam đang giữ vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế trong nước, với trên 50% tổng số vốn đầu tư xã hội; góp phần giúp lạm phát được kiểm soát, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, lãi suất giảm; thanh khoản ngân hàng được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, kế hoạch tái cơ cấu đang được triển khai và đã đạt được những kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, vẫn tồn tại một số thách thức đối với ngành Ngân hàng như: Quy mô dịch vụ tương đối nhỏ; nợ xấu tăng mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát; năng lực tài chính được cải thiện nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính còn thấp; quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp đang tiếp tục được cải thiện.
Theo chiến lược tầm nhìn từ nay đến năm 2025, ngành Ngân hàng dự kiến tiếp tục hoàn thiện và thống nhất khuôn khổ pháp lý trong xử lý nợ xấu, tăng cường năng lực tài chính, yêu cầu quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp (tất cả các ngân hàng phải tuân thủ đầy đủ Basel II vào năm 2025 và áp dụng Basel III vào năm 2025 cho một số ngân hàng). Cùng với đó, tăng room cho chủ sở hữu nước ngoài (49% tại 2 ngân hàng có vốn của các đối tác EU); đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế (đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và các ngân hàng yếu kém); tận dụng hội nhập quốc tế và ngân hàng số, tăng cường giám sát tài chính vĩ mô và vi mô.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực thông tin, sự hiện diện của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thông qua 66 văn phòng đại diện (DBS, ING Bank…); 50 chi nhánh (Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, BNP Paribas, Cathay United Bank, Citibank, KEB – Hana,…); 2 ngân hàng liên doanh (Indovina và Việt – Nga); 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài (ANZ, CIMB, Hong Leong, Shinhan, Standard Chartered, HSBC…).
Trong đó, ngân hàng Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam có 15 văn phòng đại diện như: Bank Sinopac; Cathay United Bank; CTBC; E.Sun Commercial Bank; Hua Nan Commercial Bank, Ltd; Taishin International Bank; Taiwan Shin Kong; Union Bank of Taiwan, Far Eastern International Bank; Mega International Commercial Bank...)
Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp (corporate banking) tại các NHTM Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho biết, nhìn chung, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nhờ tình hình chính trị trong nước ổn định, kinh tế tăng trưởng cao, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, quy mô thị trường lớn, có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), chi phí lao động hợp lý và nhiều công ty mới được thành lập hàng tháng. Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng trong một số lĩnh vực như: Tài chính, Fintech, công nghệ thông tin, dịch vụ y tế và dược phẩm, cơ sở hạ tầng, bán lẻ, giáo dục, kinh doanh nông nghiệp, du lịch, kinh tế xanh và tài trợ khí hậu... là rất lớn.
Tín dụng ngân hàng tại Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho toàn nền kinh tế (trên 50% tổng số vốn) do việc huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán còn khiêm tốn. Các hình thức và sản phẩm mới của các ngân hàng, TCTD đã được tạo ra như thị trường mua bán nợ, chứng khoán hóa, phái sinh tín dụng.... Các doanh nghiệp cũng đã có những cải thiện về quản trị doanh nghiệp, tuân thủ quy định và dữ liệu minh bạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Cấn Văn Lực cho biết, hoạt động tín dụng còn gặp một số rào cản, khó khăn. Cụ thể, bên vay còn thiếu tính minh bạch về phương án kinh doanh khả thi và/hoặc tài sản bảo đảm, quản trị doanh nghiệp cần cải thiện. Còn đối với bên cho vay, việc cho vay dựa trên dòng tiền không dễ dàng do thiếu thông tin và dữ liệu đáng tin cậy, bao gồm cả báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Cùng với đó, tính cạnh tranh của thị trường ngày càng gia tăng do sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ mới như công nghệ tài chính (Fintech), cho vay ngang hàng (P2P Lending) và đặc biệt là “tín dụng đen” vẫn còn là một vấn nạn, hoành hành đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Trước bối cảnh đó, kỹ năng cũng như kiến thức và kinh nghiệm của nhân viên ngân hàng đối với các sản phẩm mới như: Tài chính chuỗi cung ứng, tài chính xanh, chứng khoán hóa... chưa cao; thiếu thông tin, dữ liệu có tính hệ thống, rõ ràng trong cập nhật về người đi vay và tài sản bảo đảm; thủ tục cho vay phức tạp và thời gian giải quyết nợ xấu kéo dài do việc thực thi và tuân thủ quy định còn yếu kém.
Dù vậy, chuyên gia BIDV nhấn mạnh, thị trường tài chính, đặc biệt là ngân hàng ở Việt Nam, có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số chưa có tài khoản ngân hàng còn tương đối lớn. Dịch vụ khách hàng doanh nghiệp cũng có tiềm năng phát triển nhờ các yếu tố nêu trên. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần nhận thức được những yếu tố về văn hóa, thông lệ thực hành của ngân hàng, doanh nghiệp; rủi ro quản lý cần phải được đảm bảo cũng như cần có khung pháp lý, quy trình và thủ tục tín dụng, đội ngũ nhân viên có trình độ về công nghệ thông tin và dữ liệu lớn...
Kết thúc chường trình, bà Amy F. Fang gửi lời cảm ơn sâu sắc đến VNBA và TS. Cấn Văn Lực đã dành thời gian chia sẻ các nội dung mà phía Đoàn quan tâm, cũng như hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công sự kiện này.
“Chúng tôi hy vọng sẽ được tiếp tục đồng hành với VNBA và BIDV để có thể phát huy ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình; đồng thời tăng cường giao lưu, kết nối hợp tác giữa các NHTM tại Việt Nam và Đài Loan trong thời gian tới”, đại diện TABF bày tỏ.