VNBA tổ chức đào tạo về Phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

T.D| 10/09/2022 21:34
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 9/9/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) phối hợp với Tập đoàn LexisNexis, Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức chương trình đào tạo về Phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố dành cho các tổ chức hội viên của VNBA. Chương trình được tổ chức dưới hình thưc trực tiếp kết hợp với trực tuyến, thu hút hơn 700 người tham dự.

Cung cấp thông tin tổng quan về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tác động của rửa tiền và tài trợ khủng bố làm tăng tội phạm và tham nhũng; gây hậu quả xấu đối với hoạt động thương mại quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài; làm suy yếu hệ thống tài chính; làm nền kinh tế và khu vực tư nhân bị tổn thương…

Về khuôn khổ pháp lý, Việt Nam hiện đã có: Hệ thống quy định về rửa tiền và tài trợ khủng bố; Luật Hình sự/Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán; Luật Tố tụng Hình sự; Luật phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn Luật; Luật phòng, chống khủng bố và các văn bản hướng dẫn Luật; Các quy định về xử phạt hành chính.

Liên quan đến trách nhiệm của các ngân hàng trong việc phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đại diện Cục Phòng chống rửa tiền cho rằng cần xây dựng quy định nội bộ; thành lập bộ phận hoặc chỉ định cán bộ chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền; nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro; giám sát giao dịch và tài khoản; báo cáo giao dịch đáng ngờ; báo cáo giao dịch có giá trị lớn; báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; đánh giá rủi ro; lưu giữ hồ sơ và bảo mật thông tin; kiểm soát, kiểm toán nội bộ; đào tạo, nâng cao nhận thức…

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền cung cấp thông tin tổng quan về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ, hiện Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa ra 40 khuyến nghị. Tại Khuyến nghị số 1: Đánh giá rủi ro và phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro, khi đánh giá rủi ro quốc gia (NRA), các quốc gia cần phải xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của quốc gia mình; đồng thời cần thực hiện các biện pháp, bao gồm việc chỉ định cơ quan có thẩm quyền hoặc thiết lập cơ chế nhằm phối hợp các hành động để đánh giá rủi ro và sử dụng các nguồn lực nhằm đảm bảo rủi ro được quản lý một cách hiệu quả. Dựa trên đánh giá đó, các quốc gia cần áp dụng phương thức tiếp cận trên cơ sở rủi ro (RBA) nhằm đảm bảo các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro được xác định. Mục đích của NRA nhằm xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đây cũng là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên/các lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền và tài trợ khủng bố; Tăng cường năng lực của quốc gia theo 40 Khuyến nghị của FATF; Xây dựng,cập nhật chiến lược quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro được xác định.

Đối với đánh giá rủi ro tổ chức, các quốc gia cần phải yêu cầu các tổ chức tài chính và ngành nghề phi tài chính được chỉ định xác định, đánh giá và thực hiện các hành động có hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố. 

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng. Trong đó, WB không tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá mà cung cấp: bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do WB xây dựng; chuyên gia; tư vấn; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế; tổ chức các buổi hội thảo…

Bà Tessa Ngô, Chuyên gia Tập đoàn LexisNexis cho biết, theo kết quả cuộc khảo sát thu thập dữ liệu qua điện thoại trong tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 với tổng cộng 253 người tham gia trên 5 thị trường lớn ở châu Á Thái Bình Dương do tập đoàn tiến hành, chi phí tuân thủ luật phòng chống tội phạm tài chính rất cao đối với các tập đoàn tài chính lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, bị chi phối bởi sự gia tăng của các quy định PCRT, rủi ro địa lý – chính trị và sự gia tăng của các mối đe dọa về tội phạm tài chính. Các tổ chức tài chính châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với mức độ gia tăng của các loại hình tội phạm tài chính như thanh toán điện tử, đồng tiền kỹ thuật số cũng như việc có các bên thứ ba trung gian thanh toán và hỗ trợ các giao dịch bất hợp pháp. Các tổ chức tài chính lớn của châu Á - Thái Bình Dương xếp hạng KYC cho tài khoản hiện hữu, xác định các cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP) và các quy định báo cáo, đây là những thách thức quan trọng nhất đối với việc quản lý và tuân thủ. Bên cạnh đó, sự gia tăng tội phạm tài chính và các quy định, cùng với COVD-19, đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tài chính châu Á - Thái Bình Dương và khả năng theo dõi tài khoản khách hàng mới. Ngoài ra, những phương pháp chuyển tiền mới và tội phạm liên quan đến thanh toán kỹ thuật số đã góp phần đẩy công việc quản lý trở nên khó khăn hơn. Khảo sát cũng cho thấy, các tổ chức tài chính đã đầu tư vào các giải pháp công nghệ để hỗ trợ việc tuân thủ luật quản lý tội phạm tài chính, chịu ít tác động hơn, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động tuân thủ.

Bà Tessa Ngô, Chuyên gia của Công ty Giải pháp Rủi ro LexisNexis đưa ra giải pháp giúp các đơn vị kinh doanh đưa ra các quyết định đúng đắn và duy trì tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu và thông tin chính xác,an toàn nhất

Đối với định danh khách hàng (KYC) dành cho các tài khoản khách hàng, các cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) và quy định về báo cáo - những thách thức chính đối với quy trình sàng lọc tuân thủ mà các tổ chức tài chính lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt, ông Rohan Bania, chuyên gia tư vấn cấp cao trực thuộc khối Tội phạm tài chính và Tuân thủ của LexisNexis Risk Solutions đã chia sẻ một số cách thức cụ thể nhằm thực hiện thẩm định, sàng lọc doanh nghiệp, một số lưu ý khi định danh khách hàng cũng như một số thông lệ tốt nhất trong các hoạt động này.

Ông Rohan Bania, chuyên gia tư vấn cấp cao trực thuộc khối Tội phạm tài chính và Tuân thủ LexisNexis Risk Solutions

Cụ thể, đối với việc định danh khách hàng, cần kiểm tra thường xuyên và định kỳ; giám sát liên tục; lưu ý đến: các lệnh trừng phạt, quy trình cưỡng chế, các cá nhận có ảnh hưởng chính trị/SOE; các thông tin xấu; người thụ hưởng quyền lợi cuối cùng; truy xuất nguồn gốc, thực hiện kiểm toán truy nguyên toàn diện...

Ông Rohan Bania cho rằng, một hệ thống phòng chống rửa tiền thành công cần hội tụ 3 yếu tố: Về mặt kỹ thuật, giảm thiểu tối đa các quy trình thủ công, hệ thống tập trung, báo cáo cân đối và tự động. Về mặt quy trình, cần có quy trình kiểm tra độc lập, ưu tiên kiểm soát rủi ro, giám sát giao dịch, sàng lọc PCRT, KYC thẩm định, đồng thời phải có chức năng độc lập. Về mặt con người, cần có chuyên gia về PCRT, sự rõ ràng trong các vấn đề PCRT,  giám sát tổng quát từ cấp lãnh đạo cũng như có cơ chế đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VNBA tổ chức đào tạo về Phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO