Hoạt động ngân hàng

Vốn tín dụng ngân hàng “trợ lực” kinh tế An Giang phát triển bền vững

ThS. Trần Phan Bửu Tùng – ThS. Trần Trọng Triết 17/01/2025 - 16:09

Vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đang là kênh tin cậy “tiếp sức” cho doanh nghiệp, người dân vươn lên trong sản xuất kinh doanh, góp phần “trợ lực” phát triển kinh tế địa phương.

z6237669787049_89b08240811b8872bec4a3d0abcedbcb.jpg
Hình minh họa

Sẵn sàng đáp ứng đủ vốn tín dụng

Năm qua, lãnh đạo tỉnh An Giang đã xác định vai trò của doanh nghiệp và người dân là động lực để kinh tế phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nhờ đó mà đã quyết liệt tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó vốn tín dụng ngân hàng đã “trợ lực” tích cực cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Đáng chú ý, tăng trưởng vốn tín dụng phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế và doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng tỉnh An Giang cam kết sẵn sàng cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhờ đó mà tăng trưởng tín dụng năm 2024 trên địa bàn đạt khoảng 12% đạt dư nợ tín dụng 125.179 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 36.813 tỷ đồng; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 11.517 tỷ đồng; lĩnh vực hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông đạt 56.589 tỷ đồng; các hoạt động dịch vụ khác đạt 20.260 tỷ đồng.

untitled-1.png

Chính nhờ “trợ lực” cơ cấu hợp lý của vốn tín dụng ngân hàng, qua đó góp phần cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 7,16%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách đạt 8.391 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,220 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 47.890 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng An Giang đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để truyền thông chính sách tín dụng, xử lý kịp thời các kiến nghị nhằm ổn định hoạt động trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang chia sẻ, ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn đồng hành cùng khách hàng, chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn. Nguồn vốn tín dụng được đảm bảo sẵn sàng, lãi suất cho vay giảm đáng kể, công tác thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số được triển khai tích cực, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng trọng tâm như cấp tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng trên địa bàn vẫn đối mặt với thách thức khi “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, khiến cầu tín dụng tăng chậm. Một số chương trình tín dụng trọng điểm, như chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Việc thúc đẩy tín dụng xanh cũng gặp khó khăn do thiếu danh mục phân loại xanh quốc gia, khiến hệ thống ngân hàng chưa thể triển khai rộng rãi…

Tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng

Năm 2025, hệ thống ngân hàng An Giang cam kết sẵn sàng cung ứng đầy đủ nguồn vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng An Giang đang tích cực khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và góp phần xây dựng nền kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Ngay từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trên địa bàn theo chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng năm 2025 và triển khai Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng An Giang năm 2025.

Trong đó, tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp tăng cường công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 2025, ngành Ngân hàng An Giang đặt ra mục tiêu, tiếp tục hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy vai trò tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Trong đó, huy động vốn tăng tối thiểu 12%; đầu tư tín dụng tăng 11-12% với lãi suất hợp lý. Cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương…

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, an toàn, hiệu quả vốn vay; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, phù hợp với định hướng của Ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở An Giang.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn tín dụng ngân hàng “trợ lực” kinh tế An Giang phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO