Vấn đề - Nhận định

Vùng đáy xuất khẩu đã qua, Việt Nam có thể hy vọng vào một chu kỳ hồi phục mới

Đăng Tuấn 11/01/2024 - 21:29

Quá trình giảm hàng tồn kho tại nhóm các nền kinh tế phát triển đã chấm dứt, vì vậy hoàn toàn có thể hy vọng sản xuất và xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

dangnguyetminhdragoncapital.jpg
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital

Diễn đàn thường niên lần thứ 16 Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 - Vietnam Economic Scenarios với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” ghi nhận nhiều ý kiến dự báo về nền kinh tế Việt Nam năm 2024.

Hai cơ hội lớn của Việt Nam

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, nhấn mạnh năm 2024 nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội hơn khó khăn.

Về cơ hội, theo đại diện đến từ Dragon Capital có hai cơ hội lớn đối với Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, với ngành sản xuất, năm 2023 Việt Nam có một năm khó khăn nhưng vấn đề là trên toàn thế giới đã trải qua chu kỳ giảm hàng tồn kho. Theo dõi của Dragon Capital cho thấy, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu, đâu đó mức hàng tồn kho đã trở về mức bền vững.

"Chúng ta có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế", bà Đặng Nguyệt Minh nhấn mạnh.

Thứ hai, là sự đồng pha giảm lãi suất. Vào tháng 11/2023 vừa rồi lần đầu tiên số lượng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm lãi suất nhiều hơn các ngân hàng tăng lãi suất. Đây là điều kiện cần thiết. Trong kinh tế, mặt bằng lãi suất là nền tảng cho đầu tư tăng trưởng, Việt Nam đi trước cắt giảm lãi suất nhưng có sự đồng pha của toàn cầu thì quan trọng hơn.

Với xu hướng đầu tư, xu thế dòng tiền FDI cũng như đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn.

Với khu vực xuất khẩu, vùng đáy xuất khẩu đã qua, Việt Nam có thể bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Đầu tư công cũng đã bắt đầu và đây là nền tảng cần thiết, là niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trở lại. Còn tiêu dùng, đâu đó sẽ cần phải đợi độ trễ của mặt bằng lãi suất, nửa sau của năm 2024 sẽ có phục hồi tích cực hơn.

Nói thêm về năng lượng, bà Đặng Nguyệt Minh cho rằng, ở Việt Nam, năng lượng sạch đã được nói đến nhiều nhưng chưa có nhiều bàn luận về cơ chế chính sách. Việt Nam còn nhiều cơ hội mới để làm động lực tăng trưởng những năm tiếp theo.

"Về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làn sóng chuyển dịch về sản xuất Trung Quốc+1 thực sự bắt đầu từ năm 2014 và mạnh mẽ từ 2018, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp "khủng long" như Apple, Samsung... nhưng để Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất chúng ta cần có hệ sinh thái đầy đủ của hệ thống doanh nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ về dòng vốn cũng như là chất lượng nhân công", Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital nói.

Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để thu hút FDI

download.jpg
Ông Ahmed Yeganed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC

Nhận định về triển vọng thu hút FDI của Việt Nam, chuyên gia thuộc Ngân hàng HSBC cũng đưa ra quan điểm lạc quan. Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC nhấn mạnh rằng, HSBC vẫn duy trì tâm thế lạc quan và tham vọng về triển vọng của Việt Nam trong những năm tới.

HSBC kỳ vọng nhìn thấy sự phục hồi ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2024. Điều đó sẽ mang lại chút thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn và trung hạn.

Trong khi khu vực Bắc Á đang đối mặt với thử thách kép: dân số suy giảm và già đi, Việt Nam lại đang hưởng lợi nhờ một nền dân số trẻ và đang phát triển với với tốc độ đô thị hóa gia tăng và tầng lớp thu nhập trung lưu gia tăng nhanh chóng.

Điều này sản sinh ra một lực lượng lao động trẻ trung và am hiểu công nghệ cho phép Việt Nam hưởng lợi và đón nhận những cơ hội từ những nền tảng mới và cách làm việc/cách tương tác mới và tiếp tục duy trì vị thế điểm đến FDI hấp dẫn.

Đến năm 2030, trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu có tới 6 thị trường của châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh và Việt Nam. Điều đó dẫn đến sự tăng trưởng không ngừng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và đây chính là một động lực của thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế.

Một kết quả tích cực dễ thấy là thương mại điện tử đã tăng gấp đôi từ 8 tỷ USD vào năm 2018 lên hơn 16 tỷ USD trong năm 2022 và báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2024.

Trong lĩnh vực cung ứng bán dẫn, Singapore, Malaysia và Thái Lan nắm giữ vị trí dẫn đầu trong các thành phần khác nhau của chuỗi cung ứng thì Việt Nam lại hưởng lợi nhờ chiến lược đa dạng hóa thương mại.

Những nhà sản xuất hàng điện tử Đài Loan và Hàn Quốc đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, trong khi Intel và Amkor đã tham gia mở rộng các cơ sở lắp ráp và thử nghiệm ở công đoạn phía sau. Điều đó cũng hỗ trợ cho lộ trình phát triển thành phố tương lai cho Việt Nam.

Những nỗ lực số hóa của Việt Nam đã thổi một luồng gió mới vào các doanh nghiệp startup, kiến tạo cơ hội và nhu cầu cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có thể cung cấp giải pháp trên nền tảng công nghệ nhằm cải thiện hệ thống hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính, logistics… Google và Temasek dự báo nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt quy mô giá trị 45 tỷ USD vào năm 2025.

Chuyển dịch năng lượng cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho tăng trưởng và cơ hội. Việt Nam công bố cam kết mạnh mẽ tại COP26 sẽ chuyển dịch sang cân bằng phát thải vào năm 2050 và điều này đòi hỏi lượng đầu tư không hề nhỏ.

Vì vậy, chuyển dịch năng lượng giờ đây trở thành trọng tâm trong các ưu tiên của Chính phủ và sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng. Chuyên gia HSBC cho rằng không nên xem nhẹ quy mô và tầm vóc của tham vọng này, Việt Nam sẽ cần tới 14 tỷ USD đầu tư hàng năm để đạt được cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050, tương đương hơn 100 tỷ USD tới năm 2030 và hơn 300 tỷ USD tới năm 2050.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đáy xuất khẩu đã qua, Việt Nam có thể hy vọng vào một chu kỳ hồi phục mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO