Nghiên cứu - Trao đổi

WB: Các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng

Minh Ngọc 13/03/2023 - 14:21

Ngày 13/3, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã  công bố Báo cáo Điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam ấn bản tháng 3/2023 với tiêu đề "Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng". 

img20230313093832.jpg

Phát biểu tại lễ công bố, bà Carolyn Turk – Giám đốc WB tại Việt Nam - nhận định, bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động và bất định, bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm, nhu cầu giảm, lạm phát cao, các điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt cũng như mức độ phức tạp về địa chính trị gia tăng. Đây tiếp tục là những rủi ro đối với Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời. Nền kinh tế Việt Nam cần xử lý những biến động và vấn đề về thắt chặt tiền tệ cũng như một số vấn đề về thanh khoản. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát khu vực tài chính và đảm bảo các cơ quan quản lý Nhà nước, giám sát khu vực ngân hàng cần nắm vững những diễn biến xảy ra và có dữ liệu cũng như có khả năng thực hiện hành động vào thời điểm phù hợp.

anh-chup-man-hinh-2023-03-13-125031.jpg
Nguồn: Haver analytics

Đại diện WB cho biết, trong vòng 6 tháng vừa qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 8% - đây là mức cao nhất trong khu vực nhờ có tác động hồi phục, nhu cầu trong nước tăng sau thời kỳ phong tỏa khiến nền kinh tế đạt kết quả vững chắc. Trong 3 tháng đầu năm 2023, thị trường tại Việt Nam có hiệu quả hoạt động khá tốt, có những đầu tư đáng kể từ phía FDI, có sự cam kết mạnh mẽ và giải ngân mạnh khiến nền kinh tế trở nên sôi động.

“Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng tốt hơn nữa nếu đạt được hiệu quả trong cách tiếp cận về đầu tư công cũng như khả năng mạnh hơn trong việc quản lý chi tiêu công nói chung, đặc biệt là đảm bảo tính linh hoạt hơn trong việc điều chuyển. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam và việc tăng cường các công cụ về quản lý đầu tư công cũng như đảm bảo thực hiện ngân sách hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với việc phục hồi sau COVID-19 mà còn quan trọng đối với tăng trưởng trong dài hạn”, bà Carolyn bày tỏ.

Bà cũng cho biết thêm, đối với những biến động trong thị trường tài chính tiền tệ giai đoạn 2020 – 2022, cơ quan Nhà nước đã có những hành động kịp thời và khôi phục niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, những biến động gần đây cho thấy, có một số điểm yếu trên thị trường tài chính và ngân hàng. Cần phải đảm bảo giải quyết những điểm yếu này nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai. WB cho rằng, một loạt những cải cách đồng bộ là cần thiết để đảm bảo triển vọng tăng trưởng dài hạn cũng như ổn định kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

anh-chup-man-hinh-2023-03-13-124855.jpg

Chia sẻ tại buổi công bố, các chuyên gia của WB cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần lạc quan, thận trọng xem xét những rủi ro hiện nay. Khó khăn ở cả trong nước và bên ngoài đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải có những phản ứng chính sách theo cách phối hợp và dựa vào dữ liệu. Trong đó, vị thế chính sách tài khóa tạo thuận lợi là cách để tự phòng vệ những rủi ro về giảm tăng trưởng; chính sách tiền tệ linh hoạt, được phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu chính sách tài khóa có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước; đồng thời việc tăng cường khung chính sách và giám sát đối với khu vực tài chính sẽ giúp giải quyết các rủi ro tài chính đang lộ diện.

Trong phần thảo luận về chuyên đề đặc biệt của báo cáo: Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng, các chuyên gia WB nhấn mạnh, khu vực dịch vụ đã và đang có những đóng góp hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Thời gian tới, các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng năng suất một cách bền vững để vươn tới khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, để tiềm năng dịch vụ phát triển và hoạt động hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện các hành động chính sách về công nghệ và đào tạo, tăng cường kỹ năng cho người lao động và năng lực của doanh nghiệp và cán bộ quản lý; giảm hạn chế đầu tư FDI và cải thiện môi trường kinh doanh chung... Ngoài ra, dịch vụ công nghệ số đóng vai trò lớn trong khuyến khích các doanh nghiệp chế tạo chế biến áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WB: Các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO