(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 19/10/2022, tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cơ quan điều phối Liên minh Công bằng thuế Việt Nam (VATJ) đã tổ chức công bố kết quả nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam” nhằm phân tích xu hướng, cơ hội và thách thức của chuyển dịch năng lượng trên thế giới để vạch ra chiến lược và hàm ý chính sách cho quá trình này tại Việt Nam.
Biến đổi khí hậu và thực trạng sử dụng năng lượng trên thế giới đã tạo ra sự dịch chuyển trên toàn cầu về triết lý phát triển, môi trường thể chế, quan điểm chính sách,… dẫn tới những thay đổi đáng kể trong mọi lĩnh vực của đời sống và quy trình sản xuất của các nước, các lĩnh vực. Cụ thể đó là quá trình “chuyển dịch năng lượng” đang diễn ra.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngành dầu khí Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đòi hỏi những chính sách và chiến lược có tầm nhìn lâu dài của Chính phủ. Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò gặp nhiều khó khăn.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trình bản cập nhật của Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) lên UNFCCC vào năm 2020, cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Các ngành năng lượng như ngành điện và ngành giao thông vận tải có xu hướng thay đổi nhiều nhất để đáp ứng cam kết của Việt Nam trong việc giảm thải khí nhà kính. Ngành dầu khí, với chức năng cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các ngành trên cũng đang đối mặt với các cơ hội và thách thức trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.
Lễ công bố nghiên cứu |
Nghiên cứu chỉ ra rằng, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến chưa đề cập đến bối cảnh của việc chuyển dịch năng lượng, trong khi ngành dầu khí lại là ngành chịu tác động trực tiếp. Luật Dầu khí mới chỉ quy định các hoạt động ở khâu thượng nguồn, mà không quy định các hoạt động trung và hạ nguồn. Việc này sẽ gây ra hiện tượng xung đột, chồng chéo trong quá trình quản lý chuỗi giá trị dầu khí. Do đó, cần đưa vào Dự thảo các quy định liên quan đến hoạt động dầu khí ở khâu trung và hạ nguồn.
Hơn nữa, các ưu đãi thuế không phải là vấn đề then chốt trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cải thiện môi trường kinh doanh là nhân tố quyết định trong việc lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, cần bổ sung và luật hoá các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế nhằm làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, tránh tình trạng tranh chấp kéo dài, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước
Cần nghiên cứu và bổ sung các quy định về điều tra, thăm dò và khai thác các loại dầu khí phi truyền thống. Các loại dầu khí phi truyền thống có đặc điểm về việc phân bố, đặc tính hóa học tương đối khác biệt so với dầu khí truyền thống nên các phương pháp để điều tra, thăm dò và khai thác cũng khác biệt, đòi hỏi cần có quy định và hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải tăng cường khai thác các mỏ khí đốt tiềm năng của mình thay vì duy trì sản lượng hiện nay như Quy hoạch Điện VIII đang đề xuất. Vì điện khí vẫn là nhân tố quan trọng giúp thay thế dần các nguồn nhiệt điện than và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo.
Ngành dầu khí chủ động, tích cực tham gia vào quá trình thiết kế toàn bộ thị trường năng lượng Việt Nam với tầm nhìn dài hạn của bối cảnh chuyển dịch năng lượng, nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong tổng thể lợi ích chung.