(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nêu xu hướng phát triển xã hội không tiền mặt trong thời đại công nghệ số, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam.
Tóm tắt: Cách đây khoảng 15 năm, khó có thể tưởng tượng rằng tiền mặt lại dần ít được sử dụng như hiện nay tại nhiều quốc gia, mà thay vào đó là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bài viết nêu xu hướng phát triển xã hội không tiền mặt trong thời đại công nghệ số, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam.
Từ khóa: phát triển XH, không tiền mặt, ngân hàng số
The development trend of a cashless society in the digital banking technology revolution
Abstract: 15 years ago, no one could imagine that cash would be less used as it is today in many countries. Instead, it is various means of cashless payment. The article outlines the development trend of cashless society in the digital age, and at the same time suggests some recommendations for Vietnam.
Keywords: social development, non- cash, digital banking
Xu hướng phát triển xã hội không tiền mặt trên thế giới
Việc internet phát triển mạnh và phổ cập sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), đã làm xuất hiện và lan rộng hết sức nhanh chóng hình thức thanh toán bằng mã QR trên khắp Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới, có quy mô nền kinh tế đứng thứ 2 toàn cầu, khiến người dân không cần sử dụng tiền mặt và thẻ ngân hàng. Tại nhiều quốc gia khác như Singapore, Hàn Quốc... tình trạng cũng diễn ra tương tự. Đây là những minh chứng thực tế, thuyết phục cho sự phát triển kỳ diệu trong lĩnh vực thanh toán mà 15 năm trước con người chưa thể tiên lượng được. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ ngân hàng số, trí tuệ nhân tạo (AI), đã làm cho nhiều người dân cảm thấy thật “phiền hà” khi mang theo tiền mặt bên mình, trong khi đã có điện thoại di động thật tiện lợi, mạng internet tốc độ cao phủ sóng ở mọi nơi.
Hiện nay, một số quốc gia đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đua “xã hội không tiền mặt”, đó là Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... Tại Thụy Điển, khách du lịch chẳng lạ khi thấy dòng chữ “No Cash Accepted” (không nhận tiền mặt) trong các cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại, điểm bán hàng ăn nhanh, điểm trông giữ xe… Số liệu công bố mới nhất của Hội đồng Thanh toán châu Âu cho thấy, những giao dịch tiền mặt chỉ còn chiếm 1% GDP của Thụy Điển trong năm 2019, và số tiền mặt rút ra đã giảm đều đặn 10% mỗi năm trong những năm gần đây. Dự báo trong năm 2020 và năm 2021, lượng tiền mặt sử dụng tại Thụy Điển giảm xuống dưới 1%, thậm chí là dưới 0,9% GDP. Xu hướng này cũng đang diễn ra tương tự tại Thụy Sĩ, Phần Lan và Đan Mạch.
Trung Quốc thì đang bứt phá trong cuộc đua phát triển xã hội không tiền mặt. Nền kinh tế Trung Quốc được coi là đã “nhảy cóc”, bỏ qua giai đoạn dùng thẻ thanh toán ngân hàng mà tiến thẳng đến các hình thức thanh toán di động, trong khi người dân tại Anh và các nước trong khối EU, Mỹ và Canada, Australia và New Zealand,… vẫn sử dụng dịch vụ thẻ. Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc, thói quen giao dịch thanh toán qua điện thoại hoặc điện thoại thông minh mang tính thường lệ, từ việc thanh toán ở các quán ăn đến các cửa hàng tiện lợi. Theo một số thống kê, hơn 86% người dân Trung Quốc sử dụng các hình thức thanh toán trên các thiết bị di động. Ước tính trên 65% doanh số bán hàng trực tuyến và hơn 1/3 thanh toán tại các cửa hàng, cửa hiệu, trạm bán vé giao thông được thực hiện thông qua các ví điện tử như Alipay và WeChat Pay. Ngoài ra, việc chuyển đổi mạnh sang xã hội không tiền mặt cũng giúp nâng cao đời sống của người nông dân, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến các khu vực phát triển ven biển, từ đó rút ngắn khoảng cách xã hội, giảm các tệ nạn xã hội, hạn chế tội phạm liên quan đến tiền mặt. Nhờ vào thanh toán điện tử, người nông dân có thể mua các nhu yếu phẩm, phân bón, hạt giống, cây con giống, thức ăn chăn nuôi,... đến mua hàng gia dụng trên mạng, trả tiền dịch vụ công và tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn, đồng thời họ cũng có điều kiện bán sản phẩm nông thôn cho người tiêu dùng ở thành phố. Người bán hàng rong trên phố, hay xe ôm công nghệ, sinh viên, công nhân… có thể thanh toán, chuyển tiền, cất trữ thu nhập nhờ trên điện thoại di động, tài khoản ngân hàng.
Mặt khác, tiền giấy có thể lây truyền một số bệnh. Một số nghiên cứu y sinh đã chỉ ra rằng, các loại vi khuẩn, virus có khả năng sống trên bề mặt tiền giấy đến tận 16 - 17 giờ đồng hồ.
Nghiên cứu khoa học của một nhóm chuyên gia ở New York (Mỹ) đã phát hiện ra có tới hơn 3.000 loại vi khuẩn ẩn náu trên tờ tiền giấy mệnh giá 1 USD, bao gồm cả vi khuẩn gây nhiễm trùng da, loét dạ dày và ngộ độc thực phẩm. Trong thực tế, tiền giấy đô la Mỹ in trên giấy cotton và linen có độ bền cao, được xem là môi trường sống lý tưởng của vi khuẩn hơn tiền polymer. Một nghiên cứu khác tại Singapore trên tiền polymer của nước này cho kết quả gây sốc không kém. Tiền được thu thập từ máy ATM, các trung tâm ăn uống kiểu Sing (hawker), bệnh viện, siêu thị và chợ. Trong các mẫu, tiền thu được từ chợ có số lượng vi khuẩn cao nhất, trung bình 48.000 vi khuẩn trên mỗi tờ tiền. Tiền từ các trung tâm hawker có số lượng vi khuẩn trung bình là 3500, từ bệnh viện là 1000, từ siêu thị là 120. Thực tế này khiến cho người dùng e ngại hơn trong sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện cho thanh toán không dùng tiền mặt thêm phát triển.
Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Xã hội không tiền mặt không còn là một niềm mơ ước mà đang trở thành hiện thực ở Việt Nam, người dân đang dần trải nghiệm cuộc sống không tiền mặt. Giờ đây, khi bước chân ra khỏi nhà, xuất cảnh ra khỏi lãnh thổ, mỗi cá nhân không cần phải mang nhiều tiền mặt, ngoại tệ như cách đây 5 năm thôi, thậm chí là quên tiền, quên ví ở nhà mọi chuyện vẫn ổn nhờ chiếc điện thoại di động luôn bên mình. Các ngân hàng cạnh tranh nhau tung ra thị trường đủ loại thẻ credit, debit với nhiều chính sách khuyến mại giảm giá tại các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, miễn phí bữa ăn tại nhà chờ trong sân bay,…. Chưa kể hàng loạt loại ví điện tử: Momo, Moca, Zalo Pay, AirPay… ra mắt đón đầu làn sóng giới trẻ muốn trải nghiệm cashless (không tiền mặt). Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy triển khai dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money). Mỗi cá nhân ra đường hay đi du lịch, chỉ cần chiếc điện thoại trong túi là có thể thỏa sức mua sắm, chi tiêu. Có điện thoại là có thể thanh toán vé tàu điện, ăn tối, mua hàng lặt vặt, đóng tiền nhà, đóng tiền khám bệnh… hết sức tiện lợi, thậm chí là rút tiền mặt để chi tiêu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khi đó, nỗi lo mất tiền, mất thẻ, mất ví,… không phải là vấn đề thường trực của mỗi cá nhân nữa.
Đến nay, tổng kết 5 năm ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ về thanh toán điện tử, người dân có thể quét mã QR để thanh toán, giao dịch thanh toán trên điện thoại, các thiết bị di động khác ở khắp mọi nơi, từ mua bán hàng hóa, đến chi trả các dịch vụ: viễn thông, điện, nước sạch, truyền hình cáp, vé máy bay, mua tour du lịch trong nước và quốc tế, trả tiền học phí, viện phí, chuyển tiền cho người thân,... Những kết quả nổi bật trong hoạt động thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam thời gian qua thể hiện ở một số điểm:
- Khuôn khổ pháp lý, chính sách cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn bảo đảm quyền lợi cho các bên, an toàn cho người có tài khoản tại ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại.
- Cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ; hệ thống thanh toán của các NHTM và các tổ chức khác tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán,... tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, đảm bảo nhanh, hoạt động ổn định và an toàn. Các NHTM năng động, chủ động, cạnh tranh với nhau đầu tư công nghệ, trang thiết bị, đào tạo cán bộ, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng cao, nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, tiện ích, với nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn trong các giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán trên các thiết bị di động và dịch vụ thẻ,…với tốc độ ngày càng nhanh hơn, ổn định hơn. Các NHTM đặc biệt tích cực phát triển các sản phẩm thẻ mới với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội nhằm khuyến khích người dân sử dụng thẻ trong các thanh toán sinh hoạt, vừa an toàn, vừa tiện dụng.
- Hệ sinh thái thanh toán điện tử cũng đã được hoàn thành và kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công…Nhiều công ty du lịch, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, resort, sân golf, hãng hàng không, nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ chuyển phát chuyển nhanh hay giao hàng tại nhà, trường đại học, trường quốc tế, bệnh viện lớn… đã chủ động hợp tác có hiệu quả với các NHTM, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong thực hiện thanh toán điện tử, ví điện tử, thẻ tín dụng quốc tế,….
Vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm. Khách hàng được đặt vị trí trung tâm ưu tiên trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Các NHTM sẵn sàng bồi thường tiền kịp thời cho khách hàng khi lỗi do chính mình gây ra. Việc xử lý những khiếu nại của khách hàng được giải quyết kịp thời, bình đẳng và đúng pháp luật.
Các giải pháp công nghệ mới cũng được chia sẻ giữa các NHTM Việt Nam như giải pháp xác thực mạnh đa nhân tố Keypasco, xác thực khách hàng bằng hình thức điện tử e-KYC, các giải pháp bảo mật ATM, hệ thống giám sát an ninh trạm ATM… Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cũng đã tích cực chia sẻ về kinh nghiệm phát hiện, phân tích và xử lý rủi ro, gian lận và một số biện pháp phòng ngừa đối với các sự vụ phát sinh trong thời gian qua ở Việt Nam như skimming tại ATM, POS, gian lận lừa đảo trong thanh toán trực tuyến, chuyển tiền… các yêu cầu đáp ứng theo chuẩn quốc tế và phương án xử lý rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn cho các NHTM và khách hàng.
Các NHTM cũng có sự chia sẻ giải pháp phòng chống gian lận trong thanh toán thẻ; thông tin về thực trạng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mới nhất trong lĩnh vực thanh toán thẻ thời gian qua ở Việt Nam như: ATM skimming; tội phạm giả mạo cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát để lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt; tội phạm tấn công hệ thống máy tính, cơ sở dữ liệu để tống tiền; Tạo các website giả, nhắn tin, email giả mạo ngân hàng để lừa đảo lấy thông tin người dùng; Làm giả thẻ, thanh toán khống qua POS; Kinh nghiệm nhận diện, phát hiện kịp thời các loại hình rủi ro trong hoạt động thẻ, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, trong đó nhấn mạnh công tác phối hợp phòng, chống tội phạm thẻ giữa các bên liên quan.
Có thể thấy, các chiến lược, dịch vụ của các ngân hàng hiện nay đều hướng tới chuyển đổi số để mang tới cho khách hàng sự thuận tiện, quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm của khách hàng và đặc biệt là yếu tố an toàn.
Kết luận và khuyến nghị giải pháp
Một là, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các NHTM Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các NH trên thế giới, đặc biệt là các NH trong khu vực, tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức thẻ quốc tế, của các ngân hàng là cổ đông chiến lược để mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ mới phù hợp với xu thế chung, phát triển dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán trên các thiết bị di động,… đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng, tiện lợi, đảm bảo an toàn trong giao dịch của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập với khu vực và quốc tế, nhất là trong điều kiện công dân các nước trong khu vực đến làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều, khách du lịch quốc tế sớm đạt con số 20 triệu người; cũng như người Việt Nam đi du lịch, du học, làm việc ở nước ngoài ngày càng đông.
Hai là, các NHTM định kỳ rà soát và hoàn thiện quy định nội bộ các quy trình ngân hàng điện tử, cần thường xuyên cập nhật có tính định kỳ thông tin liên quan đến rủi ro dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ ngân hàng dựa trên các thiết bị di động, bổ sung các kiến thức và thông tin về nhận định rủi ro tại thị trường Việt Nam và khu vực, các kinh nghiệm thực tiễn và cách thức xử lý rủi ro gặp phải cũng như cập nhật các chương trình tuân thủ, kiểm soát rủi ro bắt buộc đối với các NHTM để kiểm soát rủi ro gian lận tại từng ngân hàng. Các NHTM cũng cần tổ chức các chuyến khảo sát về nghiệp vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng trên thiết bị di động tại các nước đang đi tiên phong trong lĩnh vực này để cán bộ NHTM có điều kiện tiếp cận được những sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại của các nước.
Ba là, các NHTM cần tiếp tục chủ động, tích cực làm việc hiệu quả với các trường học, bệnh viện, trạm thu phí giao thông, trạm đăng kiểm xe cơ giới, công ty du lịch, công ty xăng dầu, công ty viễn thông, công ty điện lực, công ty nước sạch, bến xe, siêu thị, truyền hình cáp,… để phát triển màng lưới mPOS, thanh toán điện tử, quét mã QR; nhưng cũng kịp thời phát hiện những hành vi thu phí thanh toán, cố tình chây ỳ không chịu chấp nhận dịch vụ thanh toán thẻ, thanh toán điện tử,.. để thông tin cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp xử lý kiên quyết không thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Bốn là, các NHTM cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt những sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại mới xuất hiện trên thế giới, đầu tư ứng dụng vào ngân hàng mình; tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, đầu tư cho công tác đào tạo lại nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ số, hoạt động Fintech,… trong ngân hàng; cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến mại, hướng dẫn việc ứng dụng mã QR, các giao dịch thanh toán trên các thiết bị di động.
Năm là, các bộ như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông,… ban hành quy định khuyến khích hoạt động thanh toán thẻ, dịch vụ ngân hàng trên các thiết bị di động, công nghệ ngân hàng số; có chính sách bắt buộc chấp nhận thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, quét mã QR, chuyển khoản đối với các đơn vị kinh doanh hàng hoá, dịch vụ ở một số lĩnh vực, đặc biệt là lệ phí giao thông đường bộ và đăng kiểm; xăng dầu, học phí, viện phí, cước phí viễn thông, điện lực… Có cơ chế ưu đãi như hỗ trợ miễn, giảm, hoàn thuế cho đơn vị chấp nhận thẻ và chủ thẻ, doanh nghiệp chấp nhận thanh toán điện tử. Bộ Giao thông vận tải cần quyết liệt, khẩn trương, rút ngắn thời gian thực hiện dự án thu phí tự động không dừng (ETC) đã được phê duyệt, sau khi Chính phủ đã phê bình và nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở; bên cạnh đó quyết liệt mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt qua thu phí đăng kiểm ô tô, phí giao thông đường bộ đối với vé tháng, các loại phí giao thông khác.
Sáu là, NHNN Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan chức năng khác ở Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm trong quản lý QR, công nghệ ngân hàng số, Fintech, xây dựng một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động Fintech, ví điện tử, mobile money tại Việt Nam.
Bảy là, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố phối hợp cùng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tham mưu cho ủy ban nhân dân có sự chỉ đạo cụ thể về ứng dụng tiến bộ công nghệ, triển khai phát triển thanh toán điện tử, phát triển dịch vụ thanh toán trên các thiết bị di động, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng, trung tâm thương mại và cơ sở kinh doanh khác ở các địa phương.
Tài liệu tham khảo:
- www.sbv.gov.vn
- www.vnba.org.vn
- www.nfsc.gov.vn
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 15/2020