Các Hiệp hội ngành, nghề

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, cuộc đua “tam mã” giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia

Nguyễn Huyền 20/08/2024 - 16:39

Sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, thị phần sẽ được chia cho 3 nước: Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Nước nào có công nghệ cấp đông tiên tiến, bao bì bắt mắt và tiện lợi cho người tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang Trung Quốc từ ngày 18/8. Ngày 19/8, đã diễn ra lễ ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Người tiêu dùng sẽ chuyển dần sang sầu riêng đông lạnh

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit) cho biết, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, riêng thị trường Trung Quốc chiếm tới 90%.

Hiện nay khuynh hướng của người tiêu dùng Trung Quốc là chuộng sầu riêng tươi, nhưng theo phân tích của chuyên gia, trái sầu riêng tươi chỉ có khoảng 30-40% là phần cơm ăn được, còn lại là hạt và vỏ, các bộ phận này khi thải ra môi trường sẽ phát sinh ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Do vậy, có khả năng sau này người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chuyển sang dùng sầu riêng đông lạnh, tiện lợi hơn mua cả trái sầu riêng tươi.

Mặt khác, sầu riêng đông lạnh cũng dễ dàng chọn lựa nhờ nhìn thấy được hàng bên trong và biết được ngon hay dở, còn mua cả trái đôi khi gặp hàng non, bị sượng không ăn được.

“Xu hướng là ngày càng có nhiều người Trung Quốc chuyển sang ăn sầu riêng đông lạnh, và Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ là bước chuẩn bị đáp ứng xu hướng tiêu dùng mà không lo bị động”, Tổng Thư ký VinaFruit nói.

Năm 2023, Trung Quốc bỏ ra khoảng 7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi, cộng với 1 tỷ USD mua sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia, mỗi nước chiếm một nửa giá trị nhập khẩu của Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu sầu riêng đông lạnh chiếm tỷ lệ 1/8 trên tổng giá trị mua sầu riêng của nước này, tuy nhiên, sau khi Nghị định thư được ký kết thì xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, sẽ là cuộc đua “tam mã” giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Khi đó “miếng bánh” sầu riêng đông lạnh sẽ chia làm 3 phần, mỗi nước chiếm 1/3, tương đương từ 300-400 triệu USD, chưa kể Việt Nam còn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đi các nước như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan với kim ngạch khoảng 200 triệu USD/năm. Như vậy, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể đạt trên, dưới 500 triệu USD/năm.

Với năng lực sản xuất của các nhà máy hiện nay khi có thêm thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp sẽ phải xây thêm các nhà máy chế biến, tăng cường trang bị công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ưu thế sẽ thuộc về nước có công nghệ cấp đông tiên tiến

“Tại các nhà máy chế biến sầu riêng đông lạnh ở Thái Lan và Malaysia, thời gian cấp đông 1 container 40 feet với mức nhiệt độ -18°c trở lên chỉ mất một giờ. Trong một ngày đêm, các nước bạn có thể cấp đông 24 container 40 feet, cũng thời gian này Việt Nam hiện chỉ cấp đông được 3 container”, ông Nguyên cho biết.

Theo đại diện lãnh đạo VinaFruit, trước mắt, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh không nhiều như hàng tươi, nhưng hệ thống công nghệ cấp đông rất cần đầu tư để chuẩn bị cho những năm về sau khi xu hướng tiêu dùng chuyển sang hàng đông lạnh.

Bên cạnh đó, chế biến sầu riêng đông lạnh còn giúp giải quyết được nhiều vấn đề:

Thứ nhất, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt các mầm bệnh trên vỏ trái sầu riêng.

Thứ hai, tận dụng được tối đa sản lượng. Cụ thể, đối với những trái không đạt yêu cầu về kích cỡ, trái bị sâu một chút hoặc là bị lép hay nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu ngoài vỏ, chưa nhiễm vào trong đều có thể dùng chế biến được.

Thứ ba, mua sầu riêng tươi khả năng mua phải trái kém chất lượng, còn mua sầu riêng đông lạnh nhìn thấy hàng bên trong, khách ưng ý mới mua.

Vấn đề quan trọng của ngành hàng sâu riêng bây giờ là đẩy mạnh xây dựng nhà máy chế biến, tăng cường công nghệ cấp đông tiên tiến, cải tiến bao bì mẫu mã bắt mắt và tiện lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt, cần chú ý đến giống sầu riêng ngon cũng như cách thu hái trái phục vụ chế biến.

“Việt Nam có lợi thế về logistic với sầu riêng tươi, nhưng khi chuyển sang sầu riêng đông lạnh thì công nghệ cấp đông và giống cây trồng là hai yếu tố quyết định thành công. Và xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là cuộc đấu trí về công nghệ, về kỹ thuật giữa các nhà xuất khẩu. Mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam”, Tổng Thư ký VinaFruit nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, cuộc đua “tam mã” giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO