Với mức xuất siêu chỉ đạt 131 triệu USD nửa đầu tháng 6/2023, cán cân thương mại lũy kế của cả nước tới giữa tháng 6/2023 đạt gần 9,8 tỷ USD; xuất - nhập khẩu đều tiếp tục sụt giảm hai con số so với cùng kỳ 2022...
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới cập nhật từ Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 6/2023 (từ 1/6-15/6), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 13,7 tỷ USD, giảm 9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 13,56 tỷ USD, giảm 18%.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 287,92 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 148,86 tỷ USD, giảm 12%; nhập khẩu hàng hóa đạt 139,06 tỷ USD, giảm 18%.
Với cán cân thương mại trong kỳ 1 tháng 6 thặng dư 131 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, Việt Nam xuất siêu 9,79 tỷ USD.
Nhiều nhóm hàng xuất, nhập khẩu tiếp tục sụt giảm
Về xuất khẩu, trong nửa đầu tháng 6/2023, có 4 mặt hàng ghi nhận xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với tổng trị giá 7,15 tỷ USD, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,74 tỷ USD, giảm 5,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 1,5 tỷ USD, giảm 21%; hàng dệt may với 1,47 tỷ USD, giảm 14%.
Đáng chú ý, trong kỳ, tiếp tục có tới 33/45 mặt hàng xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dầu thô là mặt hàng có mức giảm lớn nhất với (-85%), đạt 25 triệu USD; kế đến là phân bón (-79%), đạt 20 triệu USD; sắn và sản phẩm từ sắn (-59%), đạt 29 triệu USD…
Về nhập khẩu, trong kỳ đầu tháng 6/2023, có 2 mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với tổng kim ngạch đạt 5,42 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,66 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,76 tỷ USD, lại giảm 15%.
Trong kỳ, ghi nhận tới 44/53 mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng âm về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số mặt hàng có mức sụt giảm mạnh là: Sắt thép phế liệu có mức giảm tới hơn 80%; điện thoại và linh kiện giảm 70%...