Xung đột Nga – Ukraine gây cú sốc tới thị trường hàng hóa toàn cầu

Xuân Thanh| 14/05/2022 08:16
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu phát hành tháng 4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dành một phụ trương để đánh giá những tác động cụ thể của xung dột Nga - Ukraine đến diễn biến và kỳ vọng thị trường hàng hóa. Đây là báo cáo định kỳ, được công bố hai lần trong một năm.

Báo cáo nhận định, sự kiện Nga - Ukraine đã gây ra cú sốc nặng nề đến thị trường hàng hóa toàn cầu, nguồn cung một số loại hàng hóa bị rối loạn, đẩy mặt bằng giá cả tăng cao, nhất là năng lượng, phân bón và một số loại ngũ cốc. 

Cụ thể là, xung đột đã đẩy thị trường hàng hóa thế giới vào tình cảnh khó khăn chưa từng có, giá cả một số mặt hàng lên mức cao nhất trong lịch sử, đặc biệt là những mặt hàng mà Nga và Ukraine là quốc gia xuất khẩu chủ chốt.

Tình trạng này có thể kéo dài với3 lý do cơ bản: (i) Giá tăng sẽ dẫn đến xu hướng thay thế bằng những mặt hàng khác, góp phần giảm nhẹ áp lực giá cả; (ii) Giá cả một số mặt hàng tăng cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất những mặt hàng khác; (iii) Nhiều chính phủ sẽ đối phó với áp lực tăng giá chất đốt bằng cách giảm thuế và trợ giá.

 

Trong 2 năm tính đến tháng 12/2021, chỉ số giá năng lượng và phi năng lượng do WB công bố lần lượt tăng 50% và 40%, giá cả hai nhóm hàng hóa này đã lần lượt tăng 34% và 13% trong ba tháng đầu năm 2022. 

Giá cả hàng hóa tăng cao sau tháng 2/2022 phản ánh những lo ngại về tác động tiềm tàng của chiến tranh đối với sản xuất và trao đổi thương mại, nhất là đối với những mặt hàng mà Nga và Ukraine là quốc gia xuất khẩu chủ chốt. Nga là quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu bột mỳ, gang, uranium, khí tự nhiên, palladium, và Niken; chiếm tỷ trọng đáng kể về xuất khẩu than, platinum, dầu thô, và nhôm. Nga và Belarus là nguồn cung ứng quan trọng về phân bón trên thế giới. Ukraine là quốc gia xuất khẩu chủ chốt về bột mỳ, gang, ngô, đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu hướng dương, khí neon (đầu vào quan trọng trong chế tạo chip điện tử).  

Nhiều quốc gia lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Trong đó, châu Âu nhập khẩu đáng kể các mặt hàng năng lượng từ Nga, bao gồm khí tự nhiên (35%), dầu thô (20%), than (40%). Ở chiều ngược lại, Nga phụ thuộc vào xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), với tỷ trọng khoảng 40% tổng khối lượng dầu khí xuất khẩu của quốc gia này.

Trong năm 2022, giá cả phần lớn mặt hàng hóa được dự báo sẽ tăng cao hơn so với năm 2021 và sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong năm 2023-2024. Cụ thể là, giá năng lượng và các mặt hàng phi năng lượng sẽ lần lượt tăng 50% và 20%, sau đó giảm nhẹ vào năm 2023 nhưng vẫn tăng cao so với dự báo trước đó.

Trong khi triển vọng thị trường hàng hóa phụ thuộc chủ yếu vào tình hình chiến sự tại Ukraine và quy mô của các biện pháp trừng phạt, tác động đến thị trường hàng hóa sẽ kéo dài, thậm chí sau khi chiến tranh kết thúc. Cùng với xu hướng giảm tốc kinh tế toàn cầu, khả năng COVID-19 tiếp tục bùng phát tại Trung Quốc sẽ phần nào hạ nhiệt thị trường giá cả.

Về các mặt hàng năng lượng, giá dầu thô Brent năm 2022 dự kiến sẽ ở mức trung bình 100 USD/thùng, tăng 42% so với năm trước. Xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ rối loạn trầm trọng, khi nhiều quốc gia tìm nguồn cung ứng thay thế. Tuy nhiên, nguồn cung sụt giảm tại Nga sẽ được bù đắp phần nào nhờ giải phóng các kho dự trữ và đa dạng hóa xuất khẩu sang những nước khác. Năm 2023, giá dầu trung bình sẽ giảm xuống ngưỡng 92 USD/thùng, khi rối loạn nguồn cung giảm nhẹ và sản lượng dầu bên ngoài Nga tăng dần, trong khi nhu cầu được dự báo sẽ tăng chậm hơn so với kỳ vọng trước đây. Rối loạn từ chiến tranh sẽ gây tác động lâu dài đến hoạt động sản xuất dầu tại Nga do các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi quốc gia này, đầu tư yếu ớt, và khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài giảm dần. 

Trong năm 2022, giá than và khí tự nhiên cũng sẽ tăng cao, với giá khí tự nhiên tại châu Âu sẽ tăng gấp đôi so với năm 2021, và giá than sẽ tăng trên 80%. Cùng với dầu thô, giá khí đốt được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2023, khi có thêm những nguồn cung ứng mới. Ngoài ra, nhu cầu về khí tự nhiên giảm và đầu tư tăng cũng sẽ góp phần hạ nhiệt giá khí đốt.

Về rủi ro vật chất, giá năng lượng có thể tăng cao hơn dự báo, nếu EU mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga. Khi đó, thị trường sẽ rối loạn đáng kể.

Trong khó khăn, Nga có thể đa dạng hóa xuất khẩu dầu sang những nước khác, nhưng không cải thiện đáng kể, do thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết và chi phí vận tải tăng cao. Vấn đề đáng lo ngại là, các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ chỉ tăng khiêm tốn sản lượng dầu khai thác, trong khi hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng do thiếu lao động và những yếu tố đầu vào khác.

Giá cả các mặt hàng nông nghiệp dự kiến tăng 18% trong năm nay, phản ánh tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Ukraine, Nga, và chi phí đầu vào tăng cao, bao gồm chất đốt, hóa chất, và phân bón. Chiến sự sẽ gây gián đoạn xuất khẩu từ Ukraine và sản xuất nông nghiệp năm 2022 sẽ rối loạn trầm trọng, bao gồm trồng ngô, lúa mạch, hoa hướng dương - những loại cây nông nghiệp chỉ gieo trồng vào mùa xuân. Tại Nga, khó khăn trong việc tiếp cận đầu vào trong sản xuất, như máy nông nghiệp, có thể làm giảm sản lượng nông nghiệp. 

Với những yếu tố trên đây, giá nông nghiệp tăng cao trong năm nay phản ánh xu hướng leo thang giá ngô và bột mỳ. Sang năm 2023, giá nông nghiệp được dự báo sẽ quay đầu giảm, do nguồn cung tăng dần từ phần còn lại trên thế giới, nhất là từ Mỹ, Argentina, Brazil. Tuy nhiên, giá nông nghiệp trong năm 2023-2024 sẽ cao hơn dự báo trước đây và có thể tăng cao, nếu áp lực tăng giá đầu vào tiếp tục leo thang.

Trong năm 2022, giá cả các mặt hàng kim loại sẽ tăng 16% so với năm trước, sau đó giảm nhẹ từ năm 2023, nhưng vẫn đứng ở mức cao trong lịch sử. Giá kền và nhôm dự báo lần lượt tăng 52% và 38%, phản ánh vai trò chủ lực của Nga về xuất khẩu những mặt hàng này và sản xuất nhôm tiêu tốn nhiều năng lượng. Giá cả có thể tăng cao tùy theo diễn biến địa chính trị, nhưng có thể giảm nếu Trung Quốc kéo dài biện pháp giãn cách xã hội để chống COVID-19, nhu cầu về kim loại tại quốc gia này sẽ tiếp tục giảm thấp.

Về khuyến nghị chính sách, hiện nay nhiều chính phủ vẫn tập trung vào các biện pháp hạn chế thương mại, kiểm soát giá cả, và trợ giá. Đây là những biện pháp tốn kém và thường trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và diễn biến lạm phát. 

Theo thời gian, xu hướng tăng giá gần đây có thể sẽ tái hiện xu hướng nâng cao hiệu quả tiêu thụ xăng dầu và nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch, điều này đòi hỏi phải có giải pháp chính sách phù hợp. Chính sách này cũng sẽ góp phần bảo vệ nền kinh tế trước những biến động về giá năng lượng trong tương lai, đồng thời đẩy mạnh quá trình chuyển đổi theo hướng giảm dần năng lượng hóa thạch, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà tạo lập chính sách có thể giảm bớt tác động của lạm phát đối với người nghèo thông qua các biện pháp mục tiêu, bao gồm chuyển giao tiền mặt. Trên toàn cầu, sản xuất thực phẩm cũng sẽ thích ứng với những thay đổi về giá cả tương đối. Tuy nhiên, bất ổn nguồn cung thực phẩm đang tăng cao, mà nguyên nhân là do chiến tranh và căng thẳng địa chính trị, và các nước thu nhập thấp có thể cần đến sự hỗ trợ quốc tế trong nhiều năm tới đây.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung đột Nga – Ukraine gây cú sốc tới thị trường hàng hóa toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO