Tin tức

Yêu cầu có kế hoạch cụ thể với việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế

Minh Đức 28/02/2024 08:52

Đây là một trong những yêu cầu đặt ra tại Quyết định số 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vừa được Chính phủ ban hành.

tien-mat.jpg

Để triển khai thực hiện và hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tại Quyết định, Chính phủ đã giao một loạt các nhiệm vụ quan trọng cho các bộ, ngành: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án nhân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại quyết định, Chính phủ giao NHNN thực hiện thêm đánh giá rủi ro đối với các tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương; hoàn thành đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền trong lĩnh vực casino, kinh doanh trò chơi có thưởng, tài sản ảo, pháp nhân và thỏa thuận pháp lý; đồng thời, có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như liên quan đến sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

Chính phủ giao NHNN có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như liên quan đến sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, sử dụng vàng để mua bán bất động sản, tham nhũng. Theo đó, cần tập trung phân phối nguồn lực (thành lập tổ, đội, điều tra tội rửa tiền và điều tra tội phạm nguồn có rủi ro cao).

Chính phủ cũng giao NHNN chia sẻ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tăng cường hệ thống công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu các rủi ro đã được xác định (nâng cao chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ, thông tin tình báo tài chính kịp thời và chất lượng, tăng cường sự phối hợp và phản hồi...).

Tại Quyết định 194, Chính phủ cũng giao NHNN Khẩn trương xây dựng và trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có liên quan đến đơn vị thực hiện phòng, chống rửa tiền. Cùng với đó, NHNN xây dựng và ban hành các văn bản quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống rửa tiền trong đó có các quy định đảm bảo tính độc lập, tự chủ của FIU (Đơn vị tình báo tài chính).

Mặt khác, NHNN quy định rõ trong Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Cục Phòng, chống rửa tiền việc Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (hoặc Thống đốc có văn bản ủy quyền cho Cục trưởng Cục Cục Phòng, chống rửa tiền): có thẩm quyền trong việc thu thập, phân tích, chuyển giao thông tin tình báo cho các cơ quan có thẩm quyền; có thẩm quyền ký kết các biên bản ghi nhớ với đối tác trong nước và quốc tế, đặc biệt là FIU quốc tế.

Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý/hành chính rõ ràng chứng minh Cục Phòng, chống rửa tiền (FIU) độc lập/tự chủ trong tổ chức triển khai hoạt động.

Cùng với NHNN, Chính phủ giao Bộ Xây dựng có kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng vàng để mua bán bất động sản, tham nhũng, hoàn thiện trong tháng 9 tới đây.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.

Với 17 hành động cụ thể, Quyết định 194 nhằm triển khai thực hiện và hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu có kế hoạch cụ thể với việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO