Thanh toán điện tử thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số

ThS. Phạm Xuân Hòe| 13/07/2019 10:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 vào sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật là những ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán điện tử, thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số tại Việt Nam.

Ngày nhận bài: 23/4/2019 - Ngày biên tập: 6/5/2019 -  Ngày duyệt đăng: 28/6/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2019.

Tóm tắt: Công nghệ số đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới mà tiêu biểu trong những năm gần đây đó là mô hình “kinh tế chia sẻ” – mô hình mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet. Để vận hành mô hình kinh tế chia sẻ thì phương thức thanh toán điện tử sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm thực hiện việc thanh toán dịch vụ giữa người mua và người bán.

Từ khóa: kinh tế chia sẻ, thanh toán điện tử, kinh tế số, công nghệ số

E-payment boosts the development of new business model in sharing economy

Abstract: Digital technology has been creating new business models, of which “sharing economy” model is one the most outstanding model – where utility or service is shared for use between individuals with or without fee through internet tools.  In order to operate sharing economic model, electronic payment will be an effective support tool to perform payment services between buyers and sellers.

Key words: sharing economy, electronic payment, digital economy, digital technology

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, tạo ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của công nghệ và kết nối, làm thay đổi cách các quốc gia phát triển, cách các tổ chức tạo ra giá trị, cách chúng ta sống và làm việc. Công nghệ số đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới mà tiêu biểu trong những năm gần đây là mô hình “kinh tế chia sẻ” – ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet. Kinh tế chia sẻ là một phương cách mới kết nối người mua và người bán đối với một hoạt động kinh tế.

Về cơ bản, công nghệ số được sử dụng để kết nối nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ với khách hàng mà không thông qua đối tượng trung gian truyền thống. Kinh tế chia sẻ đã bắt đầu nở rộ trong những năm gần đây ở Việt Nam với các loại hình dịch vụ mới như dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, GoViet, Fastgo), dịch vụ chia sẻ phòng (AirBnB, Travelmob), dịch vụ bán lẻ (eBay, Shopee)… Để vận hành mô hình kinh tế chia sẻ thì phương thức thanh toán điện tử sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm thực hiện việc thanh toán dịch vụ giữa người mua và người bán.

Hạ tầng thanh toán nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam

Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 vào sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật là những ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán điện tử, thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Trong những năm qua, hệ thống Ngân hàng đã từng bước xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thanh toán nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Cụ thể, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đã được nâng cấp theo hướng tập trung, hiện đại, đóng vai trò là hệ thống thanh toán xương sống quốc gia, thực hiện vai trò trung tâm thanh toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phục vụ cho hệ thống thanh toán giá trị cao, thanh toán đa tệ liên ngân hàng… và kết nối được với các hệ thống thanh toán khác trong nền kinh tế.

Đối với các giao dịch bán lẻ, hệ thống thanh toán bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ, giao dịch thẻ (ACH) đã được xây dựng và phát triển để cung ứng dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử qua các phương tiện thanh toán, các dịch vụ thanh toán và các kênh thanh toán khác nhau, thực hiện thanh toán theo lô và theo thời gian thực, hoạt động 24/7, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, NHNN đã khẩn trương ban hành quy định nhằm giúp các ngân hàng và các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán đẩy mạnh phát triển các loại hình thanh toán hiện đại như ban hành Bộ tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa cho thẻ tiếp xúc và không tiếp xúc, Tiêu chuẩn cơ sở về đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam. Ngoài ra, NHNN đang nghiên cứu và sẽ sớm trình Chính phủ về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng hướng tới đổi mới, sáng tạo; và đưa ra Phương án cho phép nạp tiền vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng, thí điểm đối với một số công ty viễn thông.

Phát triển của công nghệ không chỉ làm xuất hiện những mô hình kinh doanh mới mà còn tạo ra những người chơi mới cho thị trường. Đối với lĩnh vực ngân hàng, trong một vài năm trở lại đây đã xuất hiện những đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng mới là những công ty Fintech – những công ty có sự kết hợp giữa yếu tố tài chính, ngân hàng và yếu tố công nghệ nhằm cung cấp những giải pháp tài chính mới trên nền tảng số. Để góp phần hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tháng 3/2017, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính với nhiệm vụ hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam. Trong lĩnh vực thanh toán, ngoài những đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán truyền thống là các ngân hàng, đến tháng 2/2019 NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cho 29 tổ chức không phải là ngân hàng được phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (công ty trung gian thanh toán). Điều này đã góp phần cho thị trường thanh toán bán lẻ và thương mại điện tử tại Việt Nam có tốc độ phát triển mạnh mẽ và đa dạng trong thời gian qua, cung cấp nhiều dịch vụ, ứng dụng thanh toán mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng và doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Các công ty Fintech vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa là đối tác của các ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhiều ngân hàng đã hợp tác với các công ty Fintech để phát triển dịch vụ của mình, tận dụng dữ liệu khách hàng sẵn có và cơ sở hạ tầng hiện đại của ngân hàng. Ví dụ như NH TMCP Công thương (VietinBank) đang hợp tác với Công ty Opportunity Network (ON) để cung ứng Dịch vụ Kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa, Công ty MISA với sản phẩm phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP, Công ty Nexttech với các sản phẩm kết nối thanh toán; NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hợp tác và kết nối với 19/29 đơn vị trung gian thanh toán; NH TMCP Quân đội (MB) đã phát triển mô hình ngân hàng số dựa trên sự hợp tác với đối tác chiến lược Viettel; NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hợp tác với Công ty M_Service trong thanh toán chuyển tiền…

NHNN đã chủ động phối hợp với Chương trình Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (MBI) thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức chuỗi sự kiện về Fintech tại Việt Nam, trong đó có tổ chức thành công Cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính – Fintech Challenge Vietnam” lần thứ nhất tại Việt Nam năm 2018, và đang chuẩn bị cho cuộc thi lần thứ 2 năm 2019. Đây là sân chơi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech trong nước cũng như nước ngoài thử sức, tranh tài, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cao thiết thực với thị trường, đồng thời cũng là diễn đàn quy tụ những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Fintech nhằm phát triển thị trường công nghệ tài chính tại Việt Nam.

3 vấn đề cần được ưu tiên giải quyết đồng bộ

Để hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, không chỉ cần những giải pháp từ ngành Ngân hàng mà cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Trong bài viết này, tác giả đề cập 3 vấn đề cần được ưu tiên giải quyết đồng bộ trong thời gian tới:

Một là, ưu tiên xây dựng thể chế chính sách mới để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của một hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech, cho ngân hàng số và đặc biệt cần nhấn mạnh về quan điểm mở trong thiết kế chính sách để cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và quản lý.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu của nền kinh tế trên cơ sở được số hóa về các ngành nghề, về dân cư… Từ đó tích hợp cơ sở Big data và có đầy đủ hành lang pháp lý cho phép chia sẻ dữ liệu theo các cấp độ khác nhau để tận dụng phát triển kinh tế chia sẻ, bên cạnh là những yêu cầu về bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân.

Ba là, gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh về hạ tầng thông tin truyền thông, phát triển mạng 5G. Đây là nền tảng để kinh tế số phát triển, trong đó có ngành dịch vụ tài chính thông minh (như ngân hàng), thương mại điện tử, du lịch thông minh… Điều này cho thấy rất cần thiết và tăng cường sự phối hợp, chia sẻ của các bộ, ngành cũng như tốc độ về thời gian là sống còn cho sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán điện tử thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO