(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Văn bản số 2198/NHNN-TT về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công.
Theo đó, để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:
Tiếp tục chú trọng nghiên cứu và tích cực triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hóa quy trình xử lý nhằm cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán chất lượng, phù hợp với nhu cầu của các tổ chức, cá nhân với chi phí hợp lý để thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, an toàn đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,...
Nghiên cứu có giải pháp về mô hình kết nối phù hợp, hiệu quả giữa các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,... một cách nhanh chóng, thông suốt và an toàn thông qua việc tiết giảm đầu mối kết nối, đảm bảo cung ứng dịch vụ cho khách hàng là tổ chức, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng khác nhau.
Hướng dẫn và phổ biến đầy đủ, kịp thời cho khách hàng biết về quy trình thủ tục, thao tác thực hiện và các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch thanh toán điện tử nói chung cũng như thanh toán trực tuyến đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,...; thiết lập bộ phận hỗ trợ tiếp nhận và xử lý kịp thời các vướng mắc, tra soát, khiếu nại phát sinh (nếu có) trong qúa trình thực hiện.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý (miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, hoàn tiền, quay số, tích điểm thưởng,..) để khuyến khích và tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,...
Chỉ đạo các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, chương trình phần mềm phục vụ thanh toán điện tử, đảm bảo thực hiện các lệnh thanh toán nộp phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,... của khách hàng một cách chính xác, kịp thời, thông suốt và an toàn theo đúng quy định. Trường hợp có phát sinh sai sót hoặc tra soát, khiếu nại phải kiểm tra, xác định nguyên nhân và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để phản hồi, giải thích rõ lý do cho khách hàng biết.