Nhìn ra thế giới

10 hiểu lầm phổ biến về blockchain

Nguyễn Anh Tuấn 20/05/2023 09:57

Cách đây không lâu, blockchain đã được quảng bá là một thứ được bảo mật vững chắc, một nguồn duy nhất của sự thật sẽ giải quyết mọi loại vấn đề kinh doanh. Tuy nhiên, điều đó có vẻ đã bị cường điệu hóa.

Mặc dù công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technologies, viết tắt là DLT) đã được hoàn thiện khá nhiều trong những năm qua, những hứa hẹn của công nghệ này đã vượt xa thực tế áp dụng của chúng. Theo một báo cáo nghiên cứu của Forrester, Blockchain trong năm 2020: Chỉ dẫn cho CIO về 10 hiểu lầm phổ biến nhất (Blockchain In 2020: A CIO’s Guide To The 10 Most Prevalent Myths), ý tưởng về việc các kho lưu trữ dữ liệu và thông tin bất biến về mặt toán học sẽ nhanh chóng thay thế những mô hình dựa trên niềm tin sẵn có vẫn chưa xảy ra và sẽ không sớm xảy ra.

Theo tác giả chính Martha Bennett, Phó Chủ tịch và là nhà phân tích chính tại Forrester, có nhiều lý do dẫn đến điều đó. Về tổng thể, có rất nhiều hiểu lầm về những gì công nghệ có thể làm và không thể làm.

Dưới đây là những hiểu lầm đã được trình bày trong bản báo cáo.

1. Blockchain và DLT là một: Không hẳn. Blockchain chỉ là một loại của DLT. Có nhiều loại công nghệ như vậy và không phải tất cả là blockchain. Cũng giống như việc sử dụng từ Xerox để chỉ photocopy nói chung, “blockchain” đang được sử dụng để nói đến tất cả các loại DLT, bất kể cơ sở công nghệ hay kiến trúc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại trong quá trình phát triển của công nghệ này, sự phân biệt chỉ là về tên gọi khái niệm chứ không có ảnh hưởng thực tế đáng kể.

2. Blockchain sẽ loại bỏ nhu cầu về bên trung gian trong giao dịch: Mặc dù các DLT có thể thay đổi vai trò của các cá nhân và tổ chức, chúng sẽ không loại bỏ các vai trò của các cá nhân, tổ chức đó trong việc tạo điều kiện, xác nhận hay kết thúc các giao dịch. Theo bản báo cáo, cách duy nhất để cắt bỏ hoàn toàn bên thứ ba là người tiêu dùng cá nhân hoặc doanh nghiệp phải tương tác trực tiếp với blockchain. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp một số các đối tác trong hệ sinh thái làm việc trực tiếp với nhau, loại bỏ các bên thứ ba, điều đó không có nghĩa các bên thứ ba sẽ ngừng tồn tại. Cần nhớ là thế giới tiền điện tử có rất nhiều bên thứ ba được tin tưởng dưới dạng nhà cung cấp ví tiền điện tử và các sàn giao dịch tiền điện tử.

3. Các blockchain là phi tập trung: Điều này chỉ đúng một phần. Trên lý thuyết, các DLT được phân tán ở nhiều điểm kết nối khác nhau trong hệ thống mạng nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không có dạng kiểm soát tập trung nào. Có 3 loại blockchain: công khai (public - mở với tất cả mọi người), riêng tư (private - chỉ cho những ai được mời), và cho phép (permissioned – nằm giữa 2 loại trên).

“Bạn không muốn một hệ thống cho phép những nhóm không có trách nhiệm chiếm quyền kiểm soát nhưng cũng không thể giữ tình trạng không ai kiểm soát khi có sự cố xảy ra. Trong trường hợp hệ thống mạng blockchain của các công ty, có những chức vụ mà tốt nhất được giao cho một nhóm chỉ định để giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả”, báo cáo viết.

4. Blockchain không cần sự tin cậy: Một mục tiêu hay được nhắc tới của blockchain là tạo điều kiện giao dịch trực tiếp giữa 2 bên không quen biết, tránh việc cần bên trung gian thứ ba gánh chịu rủi ro vỡ nợ, thường là với một mức phí nhất định. Thế nhưng, trong tất cả các trường hợp, người dùng blockchain vẫn cần có niềm tin mạnh mẽ vào một tổ chức nào đó.

Báo cáo cho biết, chỉ riêng các quy tắc toán học không thể giúp một mô hình tin tưởng hoạt động được; bạn cũng cần một mô hình quản trị được thiết kế, áp dụng và duy trì tốt. Ví dụ, người dùng cần tin tưởng vào toán học và mật mã học được áp dụng, vào việc code sẽ luôn hoạt động chuẩn, cũng như những người quản lý mạng hiệu quả: những người đào và thêm block vào chuỗi và những nhà phát triển có thể điều chỉnh code cốt lõi.

5. Blockchain là bất biến: Blockchain có thể được thay đổi bằng cách tính toán lại chuỗi về một ngày nhất định. Theo báo cáo, cách tiếp cận đó “xóa bỏ và làm lại lịch sử”. Một phương thức khác là forking (là lấy một bản sao mã nguồn từ một gói phần mềm và bắt đầu phát triển độc lập trên đó, tạo ra một phần mềm khác biệt và riêng biệt), lưu giữ dữ liệu, code và giao dịch nhưng khiến blockchain hoạt động khác đi trong tương lai. Blockchain cũng có thể bị hack, nhưng để làm được điều đó sẽ rất tốn kém. Mặc dù trước đây, kẻ xấu đã từng chiếm quyền kiểm soát blockchain như vụ việc hồi tháng 1/2019 với Ethereum Classic, báo cáo không nói đến việc chúng có thể thay đổi blockchain được hay không.

6. Blockchain hiển nhiên là bảo mật hơn: Thực tế, điều này cũng không đúng. Nếu kẻ xấu có quyền truy cập tới blockchain, chúng có thể làm bất cứ điều gì được cho phép với thông tin đăng nhập (dù là hợp pháp hay không). Hợp đồng thông minh (về cơ bản là tự động hóa quy trình kinh doanh (BPA) được khởi động với các sự kiện được ghi trong blockchain) có thể mở ra những lỗ hổng an ninh nếu chúng không được lập trình hay bảo mật tốt.

7. Các blockchain là “những cỗ máy sự thật”: Không. Mặc dù ngăn chặn lừa đảo là một công dụng hay được nói đến của blockchain, thực tế gần với “rác vào, rác ra” (dữ liệu đầu vào thiếu sót hoặc vô nghĩa tạo ra đầu ra vô nghĩa) hơn. Nếu dữ liệu ghi trong blockchain bị sai hay bị cố tình hiểu/giải thích sai, nó sẽ trở thành một phần của bản ghi lại vĩnh viễn của giao dịch. Bản báo cáo cho biết: “Không một công nghệ nào, blockchain hay thứ khác, có thể tự mình ngăn chặn lừa đảo thực hiện bên ngoài blockchain”.

8. Blockchain tự động cải thiện chất lượng dữ liệu: Cũng giống như hiểu lầm trên, quy tắc “rác vào, rác ra” cũng áp dụng ở đây. Mỗi blockchain là một kho dữ liệu chứ không phải công cụ xác thực thông tin. Cũng giống như bất kì cơ sở dữ liệu nào, nó có trách nhiệm ghi lại dữ liệu được đưa vào nhưng không thể tự mình kiểm tra để đảm bảo dữ liệu là chính xác.

9. Sự minh bạch chỉ có thể đem tới điều tốt: Trong kinh doanh, sự minh bạch không có kiểm soát không hẳn là một ý tưởng tốt. Báo cáo lý giải, ví dụ, nếu tất cả mọi người trong một mạng lưới giao dịch có thể trực tiếp nhìn thấy hết các chi tiết trao đổi giao dịch của nhau, một số có thể lợi dụng để giao dịch chống lại nhau; sự minh bạch hoàn toàn có thể dẫn đến thao túng giá cả và hình thành thỏa thuận cạnh tranh (thỏa thuận giữa các công ty cạnh tranh để kiểm soát giá hoặc loại trừ các sản phẩm của một đối thủ cạnh tranh mới)”. Không chỉ có vậy, khi các khối trong blockchain trải qua quá trình hàm băm (quá trình biến đầu vào là một nội dung có kích thước, độ dài bất kỳ rồi sử dụng những thuật toán, công thức toán học để biến thành đầu ra tiêu chuẩn có độ dài nhất định), dữ liệu trong các khối không nhất thiết đã được mã hóa theo mặc định.

10. Hợp đồng thông minh sẽ khiến các luật sư trở nên thừa thãi: Như đã nhắc đến ở mục 6, hợp đồng thông minh không hẳn là hợp đồng. Chúng là BPA kích hoạt các sự kiện khác khi một số tiêu chí được đáp ứng. Bản báo cáo cho biết: “Dù nhiều người ủng hộ blockchain có nói gì, code không phải là pháp luật – pháp luật là pháp luật. Dù tất cả mọi người trong một mạng lưới blockchain muốn tuân thủ dựa theo kết quả của việc thi hành hợp đồng thông minh, họ vẫn sẽ cần một thỏa thuận pháp lý riêng nêu rõ và nắm bắt các nguyên tắc hợp đồng tiêu chuẩn khác”.

Với rất nhiều những hiểu lầm về blockchain, có vẻ như không có bất kì lý do kinh doanh chính đáng nào để sử dụng chúng, nhưng theo Bennett thì sự thật không phải vậy.

“Những mạng lưới dựa trên DLT, hay các blockchain, có thể hoạt động rất tốt trong hoàn cảnh phù hợp, khi cần hỗ trợ những quá trình gồm nhiều bên xoay quanh dữ liệu được tin cậy, một phần, nhưng không phải tất cả được chia sẻ giữa các bên và cũng có thể được mở ra để kiểm tra bởi các bên khác”, chuyên gia này nói. Một lý do chủ chốt khiến các công ty lựa chọn DLT khi muốn cải thiện các quy trình, hay tìm các cách khác để thực hiện chúng, là mong muốn không cần phải phụ thuộc vào một nhóm trung tâm quản lý hay sở hữu dữ liệu và siêu dữ liệu (metadata - dạng dữ liệu mô tả thông tin chi tiết về dữ liệu) được tạo ra trong quá trình đó.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 19 năm 2022

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 hiểu lầm phổ biến về blockchain
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO