Công nghệ

Fintech Đông Nam Á phục hồi, huy động tổng cộng 1,4 tỷ USD trong năm 2024

Minh Ngọc 16/11/2024 10:20

Theo báo cáo mới của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Công nghệ tài chính Singapore (SFA), năm 2024, lĩnh vực Fintech của Đông Nam Á đã thể hiện khả năng phục hồi đối với xu hướng tài trợ toàn cầu, khi chỉ giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Con số này hoàn toàn trái ngược với Bắc Mỹ và châu Âu, nơi nguồn vốn đầu tư giảm mạnh hơn 30%.

Báo cáo Fintech tại ASEAN năm 2024 đánh giá bối cảnh công nghệ tài chính tại 6 thị trường lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-6), nêu bật khả năng vượt qua những khó khăn kinh tế trong khi vẫn duy trì sự ổn định của khu vực.

Báo cáo lưu ý rằng, trên toàn cầu, nguồn tài trợ Fintech tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024, giảm trong năm thứ ba liên tiếp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn tài trợ Fintech toàn cầu đạt 39,6 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước do lạm phát và các mối lo ngại về địa chính trị vẫn tiếp diễn.

Các nước ASEAN-6 đã trải qua mức giảm theo năm dưới 1%, xuống còn 1,4 tỷ USD trong cùng kỳ, điều này cho thấy khả năng phục hồi của khu vực. Trong khi đó, nguồn vốn tài trợ ở Bắc Mỹ và châu Âu - 2 khu vực kinh tế lớn nhất về Fintech, lần lượt giảm 35% và 34%.

Xu hướng tài trợ Fintech toàn cầu, 9 tháng đầu năm 2023 so với 9 tháng năm 2024. Nguồn: Fintech tại ASEAN 2024, UOB, PwC Singapore, Hiệp hội Fintech Singapore (SFA), tháng 11/2024

Nguồn vốn Fintech của ASEAN-6 đã tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ qua, tăng hơn 6 lần. Nguồn vốn đạt đỉnh vào năm 2021, đạt 6,4 tỷ USD.

Tổng cộng, nguồn vốn đầu tư vào Fintech ở Đông Nam Á đạt 20 tỷ USD trong giai đoạn 2015 và 9 tháng đầu năm 2024, không bao gồm các giao dịch không được tiết lộ.

Xu hướng tài trợ Fintech ASEAN-6, từ 2015 đến 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Fintech tại ASEAN 2024, UOB, PwC Singapore, Hiệp hội Fintech Singapore (SFA), tháng 11/2024

Thanh toán dẫn đầu trong xu hướng vốn tài trợ

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các hoạt động thanh toán và cho vay thay thế, chiếm hơn một nửa tổng nguồn vốn của ASEAN-6 trong thập kỷ qua, lần lượt là 6,5 tỷ USD và 4,1 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thanh toán tiếp tục dẫn đầu các giao dịch hút vốn tài trợ, thu hút 23% tổng số vốn tài trợ Fintech tại ASEAN-6. Blockchain trong dịch vụ tài chính theo sát nút, nhận được 21% tổng số vốn tài trợ.

Trong khi đó, hoạt động cho vay thay thế đã phải đối mặt với sự đảo ngược trong năm nay khi thị phần tài trợ giảm từ 41% vào năm 2023, xuống còn 10% trong năm 2024 trong bối cảnh lãi suất tăng.

Phân tích nguồn vốn theo danh mục Fintech, năm 2023 so với 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Fintech tại ASEAN 2024, UOB, PwC Singapore, Hiệp hội Fintech Singapore (SFA), tháng 11/2024

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Singapore tiếp tục dẫn đầu về vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 53% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này và 62% tổng số giao dịch tại ASEAN-6. Thái Lan vươn lên vị trí thứ 2, chiếm 24% vốn đầu tư nhờ vào thương vụ lớn trị giá 195 triệu USD của Ascend Money.

Indonesia - nước giữ vị trí thứ 2 lâu năm - đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong năm nay, khi chứng kiến ​​thị phần tài trợ giảm từ 36% xuống 18% mà không có bất kỳ thỏa thuận lớn nào.

Tỷ lệ tài trợ và giao dịch theo quốc gia, năm 2023 so với 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Fintech tại ASEAN 2024, UOB, PwC Singapore, Hiệp hội Fintech Singapore (SFA), tháng 11/2024

Các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu tỏa sáng

Trong năm 2024, các nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư giai đoạn "hạt giống" và giai đoạn đầu, với hơn 60% tổng số tiền tài trợ cho Fintech tại ASEAN-6 được chuyển hướng đến các giai đoạn này. Xu hướng này được thúc đẩy bởi vòng tài trợ lớn, bao gồm 2 giao dịch lớn từ GuildFi (140 triệu USD) và Longbridge (100 triệu USD).

Hơn nữa, một nửa trong số 10 vòng tài trợ hàng đầu của 9 tháng đầu năm 2024 đã dành cho các công ty khởi nghiệp Fintech giai đoạn đầu. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào sự đổi mới ở cấp độ nền tảng. Sự hỗ trợ này cũng cho thấy, ASEAN vẫn là nơi "ươm mầm" cho các ý tưởng Fintech đổi mới và sáng tạo.

10 vòng gọi vốn dẫn đầu tại ASEAN - 6 trong 9 tháng đầu năm 2024

Sự năng động của lĩnh vực Fintech ở Đông Nam Á cũng được chứng minh bằng sự xuất hiện của các kỳ lân, phản ánh sự tăng trưởng nhanh chóng và hệ sinh thái kỹ thuật số đang trưởng thành của khu vực. Hiện tại, khu vực này tự hào có 16 kỳ lân Fintech, trong đó, Singapore dẫn đầu với 6 kỳ lân, tiếp theo là Indonesia với 4 kỳ lân.

Gần một nửa trong số các công ty này thuộc lĩnh vực thanh toán (9), tiếp theo là cho vay thay thế (3) và Blockchain trong tài chính (2) ở vị trí thứ 2 và thứ 3.

Danh sách các kỳ lân ASEAN-6. Nguồn: Fintech tại ASEAN 2024, UOB, PwC Singapore, Hiệp hội Fintech Singapore (SFA), tháng 11/2024

GenAI, điện toán lượng tử, tài chính bền vững là các xu hướng Fintech trọng yếu

Nhìn vào các xu hướng mới nổi, báo cáo lưu ý rằng, lĩnh vực Fintech của ASEAN đang áp dụng các công nghệ tiên tiến và tính bền vững, phản ánh sự trưởng thành của ngành và báo hiệu một giai đoạn phát triển mới.

Báo cáo cho biết, AI tạo sinh (genAI) đang sẵn sàng định hình lại hệ sinh thái tài chính thông qua việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tư vấn và dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, cải thiện khả năng phát hiện gian lận và quản lý rủi ro cũng như lập kế hoạch tài chính tự động.

Trong khi đó, điện toán lượng tử cung cấp sức mạnh xử lý cao hơn, chuyển đổi các chiến lược đầu tư, tăng cường bảo mật thông qua các thuật toán mã hóa tiên tiến và cải thiện khả năng phân tích rủi ro.

Cuối cùng, tài chính xanh đang nổi lên như xu hướng chủ chốt trong hệ sinh thái tài chính của ASEAN, được thúc đẩy bởi cả nhu cầu trong và ngoài nước. Ví dụ, Singapore đã cam kết phát hành tới 35 tỷ đô la Singapore trái phiếu xanh vào năm 2030. Trong khi đó, khuôn khổ SRI Sukuk của Malaysia đang khuyến khích các công ty tài trợ cho các dự án bền vững về mặt môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Fintech Đông Nam Á phục hồi, huy động tổng cộng 1,4 tỷ USD trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO