Vấn đề - Nhận định

3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam nửa cuối năm

Quỳnh Lê 11/07/2023 07:18

Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 đã giúp Việt Nam có những hình dung rõ nét hơn về bối cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối năm 2023, cũng như các năm tiếp theo.

ktxh-10.2021.jpg

Nhiều thách thức trong nửa đầu năm

Bối cảnh kinh tế thế giới có khá nhiều yếu tố bất định trong 6 tháng đầu năm 2023. Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện chỉ ra, các nhân tố ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế thế giới bao gồm hệ lụy của dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, áp lực lạm phát và ưu tiên thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, biến đổi khí hậu,...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, Việt Nam đã rất thận trọng trong dự báo, đánh giá các diễn biến lớn, bất thường.

Sự cố đối với một số định chế tài chính ở Mỹ, Thụy Sỹ,... cũng đặt ra các vấn đề về theo dõi và giám sát đối với hệ thống tài chính quốc tế và ở các nước. Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 cũng chứng kiến một số chuyển biến tích cực, dù chưa nhiều: Liên minh châu Âu đã phần nào bảo đảm được an ninh năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài; giá dầu mỏ và khí tự nhiên đã hạ nhiệt đáng kể;...

Sau kết quả tăng trưởng khá cao của năm 2022, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, Việt Nam đã rất thận trọng trong dự báo, đánh giá các diễn biến lớn, bất thường. Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, và không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Tư duy về cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực, và cơ chế đặc thù cho vùng, địa phương được cân nhắc tích cực hơn.

Chính phủ cũng tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án không hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; các vấn đề phát sinh trong cung ứng xăng dầu, trang thiết bị, vật tư y tế, điện, trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống đăng kiểm; đẩy nhanh xây dựng các công trình hạ tầng giao thông và dự án quan trọng quốc gia; tìm kiếm cơ hội xuất khẩu; đẩy nhanh việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và ngành; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng tháo gỡ rào cản, vướng mắc về quy định.

Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023. Tính chung sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng: 1,13%; khu vực dịch vụ: 6,33%. Sự phục hồi của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, có đóng góp quan trọng của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Có 75,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ 2022. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 707,5 nghìn tỷ đồng, giảm 19,8%, và chỉ tương đương 87,7% mức bình quân của cùng kỳ giai đoạn 2018-2022. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp cũng giảm tới 48,1%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm giảm 7,4%, đạt 37,7 nghìn doanh nghiệp.

Tình hình lao động, việc làm trong 6 tháng đầu năm đối mặt với không ít thách thức do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do đơn hàng giảm, và chi phí sản xuất tăng cao. Dù vậy, tình hình lao động, việc làm cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát: số lượng lao động có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm.

Trong khó khăn, Việt Nam vẫn khai thác được cơ hội từ xuất khẩu lao động sang một số thị trường. Nếu khai thác được tiềm năng của nhóm lao động trẻ từ 15 - 34 tuổi, Việt Nam có thể cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng GDP trong thời gian tới.

6 tháng đầu năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). Đây là thành công quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế-xã hội trong các tháng đầu năm, bởi: các dự báo tại thời điểm cuối năm 2022 - đầu năm 2023 đều nhìn nhận áp lực tăng giá trong năm 2023 là không nhỏ và mức lạm phát tương đối cao ở nhiều nền kinh tế chủ chốt trong nửa đầu năm 2023.

Cũng trong nửa đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 4,7% so với cùng kỳ 2022. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng đầu tư 6 tháng chỉ tăng 1,7%.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại thời điểm ngày 30/6/2023 đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ 2022 (27,75%) và về số tuyệt đối cao hơn 65,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 43%) so với cùng kỳ 2022. Thu hút vốn FDI của Việt Nam ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3%, song phần vốn thực hiện của FDI tăng 0,5%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu của cả nước gặp nhiều khó khăn. Tổng giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1%. Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại (ước đạt hơn 12,2 tỷ USD).

3 kịch bản cho nửa cuối năm

Trước những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, báo cáo cập nhật kết quả dự báo cho năm 2023 theo 3 kịch bản.

Kịch bản 1 giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản 3 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Những khó khăn của nền kinh tế hiện nay là rất thách thức nhưng có thể được vượt qua. Nếu tốc độ tăng trưởng chỉ đạt ở mức kịch bản thấp như báo cáo đặt ra thì điều đó cũng không phải là điều quá tệ trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu. Dù là kịch bản nào, điều quan trọng vẫn phải duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, sức khoẻ của ngành ngân hàng, hệ thống tài chính, duy trì niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế

Báo cáo nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: khả năng tiếp tục và mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt; các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ), song xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh “chọn bên” sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình; dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện hài hòa, song hành cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Báo cáo phân tích diễn biến ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong 6 tháng đầu năm, tập trung vào những sự cố lớn đối với một số định chế tài chính ở Mỹ, Thụy Sỹ - hai nền kinh tế có nhiều kết nối và ảnh hưởng trên thị trường tài chính quốc tế.

Báo cáo cũng nhìn nhận một số vấn đề với các giải pháp can thiệp, hỗ trợ các ngân hàng này xử lý sự cố. Phân tích diễn biến và nguyên nhân sự cố ở các định chế tài chính ở Mỹ, Thụy Sỹ giúp đưa ra một số bài học như: khi giám sát hoạt động của ngân hàng thì không được đánh giá thấp rủi ro của mọi loại tài sản; cần đánh giá sớm và đúng mức tác động dây chuyền của sự cố ngân hàng; cần bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; cần thận trọng khi cân nhắc các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và công tác điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát cần phải tính toán thấu đáo đến các kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, cũng như ảnh hưởng đối với hoạt động ổn định và an toàn của các ngân hàng.

Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 đã giúp Việt Nam có những hình dung rõ nét hơn về bối cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối năm 2023, cũng như các năm tiếp theo.

Thực tiễn các năm 2020 - 2022 đã cho thấy không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1 - 2 quý đầu năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.

"Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 cũng chính là “sức ép tích cực” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách trong thời gian tới", báo cáo lưu ý,

Tại hội thảo công bố báo cáo, các chuyên gia đã trao đổi, đánh giá các yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm, và các kiến nghị định hướng, giải pháp chính sách liên quan. Các nội dung quan trọng xoay quanh “công thức” điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, gắn với cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) trong nhiều năm qua. Các đại biểu cũng thống nhất với yêu cầu phải có động lực mới, nhanh và thực chất hơn nữa cho cải cách và điều hành kinh tế trong thời gian tới.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam nửa cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO