Quyết định về lãi suất của Australia; chỉ số nhà quản lý mua hàng ngành Dịch vụ của Caixin Trung Quốc (PMI); và GDP quý II của Hàn Quốc, là 3 yếu tố tác động đến thị trường châu Á ngày 5/9 theo Jamie McGeever - phụ trách chuyên mục thị trường tài chính của Reuter.
Các thị trường trong nước cũng sẽ cảnh giác với chỉ số lạm phát từ Hàn Quốc, Philippines...
Quyết định lãi suất của Australia
Ngày 5/9, Ngân hàng trung ương Australia (RBA) thu hút sự chú ý ở châu Á-Thái Bình Dương bởi quyết định lãi suất mới nhất của họ.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, RBA dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,10% do lạm phát có dấu hiệu giảm bớt, khiến khả năng tăng lãi suất cuối cùng vào cuối năm nay không còn cao.
Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ ít bị thuyết phục bởi mức giá hiện tại cho thấy xác suất không quá 50-50 về một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay. Điều đó cho thấy, chu kỳ tăng lãi suất 400 điểm cơ bản của RBA bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái đã kết thúc.
Tuy nhiên, RBA đã gây ngạc nhiên cho thị trường trong năm nay khi tạm dừng chính sách vào tháng 4 và sau đó thắt chặt chính sách vào tháng 5. Hướng dẫn của RBA đưa ra có thể gây ra những biến động lớn đối với đồng đô la Australia.
Nhìn rộng hơn, thị trường châu Á bước vào thứ Ba với một bước nhảy vọt, với chỉ số chứng khoán MSCI Asia Ex-Japan tăng 8/10 phiên gần nhất. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, được thúc đẩy bởi đồng Yên yếu, tăng 6 ngày liên tiếp và đang ở mức tốt nhất kể từ tháng 5/2023, đồng thời chỉ giảm một lần trong 11 phiên gần đây.
Phần lớn sự phục hồi nhỏ trên khắp châu Á là nhờ sự phục hồi ở Trung Quốc khi các nhà đầu tư đánh giá cao những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế nói chung đang suy giảm.
Các biện pháp mới nhất được Trung Quốc đưa ra, cùng với thỏa thuận trái phiếu của nhà phát triển bất động sản Country Garden đã giúp thúc đẩy cổ phiếu blue chip của Trung Quốc tăng 1,5%, mức tăng lớn nhất kể từ cuối tháng 7/2023.
Cổ phiếu của Country Garden kết thúc phiên ngày 4/9 tăng 14,6% sau khi tăng gần 20% lên mức cao nhất kể từ ngày 10/8 và chỉ số bất động sản đại lục Hang Seng của Hồng Kông đã tăng tới 10%.
PMI dịch vụ Caixin Trung Quốc chạm mức thấp nhất 8 tháng
Theo công bố mới nhất của Caixin Insights, chỉ số nhà quản lý mua hàng ngành Dịch vụ của Caixin Trung Quốc (PMI) đã tăng 51,8 điểm trong tháng 8/2023, thấp hơn kỳ vọng là 53,6 và con số 54,1 của tháng 7/2023. Đây là chỉ số thể hiện mức yếu nhất trong 8 tháng qua.
Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp trong những tháng gần đây để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Trong tuần trước, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Trung Quốc đã nới lỏng một số quy định vay để hỗ trợ người mua nhà. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo những biện pháp này có thể khó thực hiện được trong bối cảnh thị trường lao động phục hồi chậm lại và thu nhập của người dân không được như kỳ vọng.
Caixin lý giải nguyên nhân dẫn đến chỉ số PMI thấp là do các nhà xuất khẩu dịch vụ phải đối mặt với nhu cầu nước ngoài yếu hơn trong bối cảnh điều kiện kinh tế đang xấu đi ở hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022. Niềm tin kinh doanh trong triển vọng 12 tháng đạt mức thấp nhất trong 9 tháng.
Về mặt giá cả, tốc độ tăng chi phí đầu vào hạ nhiệt xuống mức thấp nhất 6 tháng, trong khi giá bán tăng ở mức chậm nhất kể từ tháng 4.
Mặc dù đà tăng trưởng chậm lại nhưng các công ty tại Trung Quốc vẫn tiếp tục bổ sung nhân viên vào tháng trước do yêu cầu kinh doanh cao hơn và kế hoạch mở rộng công suất.
GDP Hàn Quốc tăng tốc trong quý II nhưng viễn cảnh vẫn u ám
Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho thấy, nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong quý II/2023, mặc dù xuất khẩu sụt giảm.
Cụ thể, GDP quý II/2023 của Hàn Quốc tăng 0,6% so với quý I/2023, phù hợp với ước tính trước đó. Kết quả này cho thấy, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang trên đà phục hồi kể từ khi suy giảm 0,3% trong quý IV/2022.
BOK lý giải việc tăng trưởng trong quý II diễn ra do nhập khẩu giảm với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu quý II/2023 của nước này giảm 0,9%, trong khi đó, nhập khẩu giảm 3,7%. Tính đến tháng 8/2023, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm tháng thứ 11 liên tiếp, với nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu về chất bán dẫn và sản phẩm dầu mỏ yếu. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2020, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 11 tháng liên tiếp.
Chi tiêu của chính phủ Hàn Quốc cũng giảm 2,1% trong quý II/2023, trong khi đầu tư cơ sở vật chất tăng 0,5%. Nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng trong bối cảnh lo ngại rằng việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ ở các nước lớn, bao gồm cả Mỹ, có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức 3,5%/năm lần thứ 5 liên tiếp vào tháng 8/2023 do cân nhắc sự suy giảm tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát vừa phải.
Việc giữ lãi suất diễn ra sau khi BOK thực hiện 7 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023. Năm ngoái, nền kinh tế nước này tăng trưởng 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,3% của năm 2021. Mức tăng trưởng năm 2022 đánh dấu tốc độ chậm nhất của Hàn Quốc kể từ năm 2020.
(Theo Reuter và Koreatimes)