Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị phê duyệt tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền tham dự Đại hội là ngày 8/3/2024.
Theo kế hoạch được phê duyệt trong Nghị quyết, MSB dự kiến tổ chức đại hội cổ đông lần thứ 32 vào ngày 10/4/2024 tại Hà Nội. Dự kiến đại hội sẽ thông qua các báo cáo hoạt động kinh doanh, thành tựu của năm 2023, kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 và các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông, đồng thời bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ VII (2022 – 2026).
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, MSB đã có kết quả kinh doanh khá lạc quan. Theo đó, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành. Tổng tiền gửi khách hàng tại ngày 31/12/2023 là trên 132 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn, đứng top 4 thị trường.
Tổng thu nhập thuần hoạt động của MSB năm 2023 đạt xấp xỉ 12,3 nghìn tỷ đồng trong năm qua, tăng 15% so với năm 2022. Thu nhập lãi thuần đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,6 nghìn tỷ đồng. Lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng nhẹ 7% so với năm trước, đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, tổng thu thuần hoạt động của MSB tăng trưởng 15%, cao hơn mức 9% của chi phí hoạt động, đưa chỉ số chi phí/doanh thu (CIR) của ngân hàng xuống mức 39,16%, thấp hơn 2,23 điểm % so với cuối năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố “triển vọng ổn định” cho MSB theo đánh giá mới nhất ban hành ngày 23/2/2024. Mức xếp hạng này được giữ nguyên trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro tiềm ẩn nợ xấu đang bao phủ. Các xếp hạng Tiền gửi dài hạn (Long-term deposit) và Xếp hạng Nhà phát hành (Issuer ratings) ở mức B1, Xếp hạng rủi ro đối tác (Counterparty Risk Rating) và Đánh giá rủi ro đối tác (Counterparty Risk Assessment) đều ở mức Ba3, Đánh giá tín dụng cơ sở (Baseline Credit Assessment) – b2;
Trong phân tích chi tiết, Moody’s đánh giá MSB có thế mạnh hơn mức trung bình ngành và các đối thủ cạnh tranh ở khả năng sinh lời và các chỉ số liên quan vốn hóa. Theo bảng chấm điểm các tiêu chí xếp hạng, so với báo cáo phát hành kỳ tháng 10/2023, trên cơ sở đánh giá hoạt động ngân hàng trong khoảng thời gian đủ dài để đảm bảo tính bền vững, MSB được Moody’s nâng điểm theo một số tiêu chí liên quan khả năng sinh lời (Net income/Tangible Assets, Combined Solvency Score), tiêu chí về Vốn (Tangible common equity/ RWA) và tính thanh khoản (Liquid banking assets/Tangible banking assets).
Liên quan đánh giá về phát triển bền vững (ESG considerations – Xem xét liên quan yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị), các hoạt động kinh doanh đã được MSB dần tích hợp các tiêu chí này kể từ năm 2022 và đẩy mạnh trong năm 2023. Theo báo cáo của Moody’s, MSB chịu rủi ro trung bình khi đánh giá theo tiêu chí Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG), xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng chịu tác động hạn chế từ các đánh giá ESG này.