(thitruongtaichinhtiente.vn) - Qua tổng hợp, phục vụ xây dựng Báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cho thấy riêng trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, số bộ, ngành địa phương triển khai bảo đảm an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp đạt 82%.
Thông tin được Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - TS. Nguyễn Đức Hiển đưa ra tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng 2020 tổ chức ngày 10/11.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Hội thảo |
Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ và chỉ đạo, phối hợp chuyên môn với Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) tổ chức.
Với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn”, sự kiện hướng đến mục tiêu cung cấp một diễn đàn giúp các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro an toàn, an ninh mạng phi truyền thống và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW - TS. Nguyễn Đức Hiển cho biết, sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Nghị quyết này đã xác định ngành an toàn, an ninh mạng là một trong những ngành ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố đã ghi nhận là 4.161 cuộc, trung bình 1 ngày chúng ta đã cảnh báo và xử lý cho khoảng 14 cuộc tấn công mạng.
Qua tổng hợp, phục vụ xây dựng Báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 52 của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, riêng trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, số bộ, ngành địa phương triển khai bảo đảm an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp đạt 82% (trong đó các bộ, ngành đạt 65%, địa phương đạt 87%); đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) bảo vệ 2 lớp đạt 95% (trong đó các bộ, ngành đạt 82% và địa phương đạt 97%); triển khai giám sát từ xa cho 85 cơ quan, trực tiếp cho 15 cơ quan tại 23 địa điểm; cấp tài khoản giám sát kỹ thuật và tài khoản giám sát thông tin trên hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia cho 63 sở thông tin và truyền thông.
Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng 2020 với sự tham gia của hơn 30 tập đoàn và doanh nghiệp bảo mật hàng đầu trong nước và quốc tế |
Đến nay, đã có 215 cơ quan tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Về phát triển thị trường và hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cấp phép cho 87 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa chiếm khoảng 72,7% so với hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng; đã thành lập Liên minh phát triển sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam với sự tham gia của 21 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng hoàn thiện, đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, ban hành hướng dẫn về danh mục yêu cầu bảo đam an toàn thông tin cho trạm gốc 5G, ban hành 13 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thông tin mạng, 9 văn bản hướng dẫn chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Những nỗ lực đó đã góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng. Theo Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) công bố năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (tăng 50 bậc so với kỳ trước).
“Tuy vậy, nhìn nhận một cách thẳng thắn, bên cạnh các kết quả tích cực, vấn đề bảo đảm an ninh mạng vẫn còn những hạn chế nhất định về tiềm lực, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, về huy động, khai thác các nguồn lực,…”- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển lưu ý, năm 2021, một số nghiên cứu quốc tế đã dự báo các chi phí liên quan đến vấn đề vi phạm bảo mật, tội phạm mạng, an ninh mạng sẽ tiêu tốn của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới 24,7 đô la mỗi phút, tăng 2 USD so với năm 2020, điều này có nghĩa là sẽ mất ít nhất 11,4 triệu USD mỗi phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021, tăng 100% so với năm 2015.
Dự báo tính trung bình, cứ mỗi phút sẽ có 1,5 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet, 375 mối đe dọa mới được phát hiện, 16.172 bản ghi dữ liệu bị xâm phạm, 35 email spam COVID-19 được phân tích…
Đối với Việt Nam, Phó ban Kinh tế Trung ương lưu ý, năm 2021 là năm diễn ra Đại hội khóa XIII của Đảng; năm đầu tiên Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
“Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 trở thành nưởc có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Việt Nam phải thực hiện mãnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh và tăng cường áp dụng công nghệ số trước tác động của dịch COVID-19 và cuộc CMCN 4.0...”- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng 2020 Sự kiện bao gồm các hoạt động: Phiên Báo cáo chính được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự chủ trì của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; 2 Hội thảo chuyên đề với quy mô 200 đại biểu/hội thảo; 1 Triển lãm công nghệ với sự tham gia của hơn 30 tập đoàn và doanh nghiệp bảo mật hàng đầu trong nước và quốc tế. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 800 đại biểu cấp cao đến từ khối chính phủ, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, bán lẻ và thương mại điện tử, vận tải - logistics, năng lượng, sản xuất,… Phiên Báo cáo chính với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn” đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình an toàn, an ninh mạng và xu hướng bảo mật hàng đầu hiện nay cùng với những định hướng triển khai đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh việc lưu trữ, bảo mật dữ liệu của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đang đặt ra nhiều vấn đề, phiên Tọa đàm cấp cao mang lại những chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, những chiến lược an toàn, an ninh mạng của các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo mật, lưu trữ dữ liệu, quản trị rủi ro. Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Giám sát và ngăn ngừa hiểm họa an toàn, an ninh mạng cho các hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu quốc gia” Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Bảo vệ hệ thống thông tin doanh nghiệp thế hệ mới”. Song song với phiên Báo cáo chính và các Hội thảo chuyên đề, Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới, các giải pháp nổi bật sẽ được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: Bảo mật đám mây, bảo mật thiết bị đầu cuối, bảo mật thiết bị di động, quản lý truy cập & định danh, xác thực đa yếu tố/xác thực không mật khẩu, bảo mật sinh trắc học, CCTV & Hệ thống giám sát, GRC, Hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập, DevSecOps, bảo mật ứng dụng/kiểm thử xâm nhập, phòng chống mất dữ liệu/phishing, Zero Trust, giải pháp ngăn ngừa rủi ro nội bộ DDoS, mã hóa, ảo hóa,… |