Tin hội viên

Agribank và BIDV lọt Top 10 bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023

Thanh Thanh 18/11/2023 08:15

Theo bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 vừa công bố, Agribank và BIDV lọt Top 10 bảng xếp hạng này. Với bảng xếp hạng Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023 có sự góp mặt của VPBank và Techcombank…

Ngày 17/11/2023, Công ty Cổ phần (CTCP) Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam năm 2023.

Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 17 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các DN có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những DN đã cho thấy bản lĩnh kiên cường trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế và sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế.

Bảng xếp hạng VNR500 cũng góp phần giới thiệu thương hiệu DN Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo kết nối với những doanh nhân, học giả, những “guru” hàng đầu thế giới thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu từ Ban Tổ chức chương trình.

Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2023, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023.

Theo đó, Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2023 gồm: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội; Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam; CTCP Tập Đoàn Hòa Phát; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Tập đoàn Vingroup- CTCP;

picture2.png

Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023 gồm: CTCP Tập đoàn Hòa Phát; Tập đoàn Vingroup - CTCP; CTCP Đầu tư Thế giới Di động; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji; CTCP Tập đoàn Masan; CTCP Sữa Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); CTCP Tập đoàn Thành Công; CTCP Tập đoàn Hoa Sen.

picture3.png

Kết quả thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2023 cho thấy, tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản đều có sự gia tăng so với năm 2022. Trong đó, ngành Công nghiệp – Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế và hoạt động Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.

Kết quả còn cho thấy phần lớn các nhóm ngành chính trong Bảng xếp hạng có sự tăng trưởng trở lại về doanh thu so với Bảng xếp hạng năm trước ngoại trừ nhóm ngành Xây dựng, Thép và Cơ khí. Cùng thời điểm này năm ngoái có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của DN Xây dựng, Thép khi bất động sản “đóng băng”, nhu cầu xây dựng lao đao, nhu cầu tiêu thụ thép chậm ở cả trong nước và thế giới khiến cho các DN trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề dẫn kết quả năm 2022 giảm sút. Ngược lại, ngành Khoáng sản, xăng dầu lại có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê từ Bảng xếp hạng năm 2022, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất Bảng xếp hạng trong khi đó vị trí này năm ngoái thuộc về ngành Tài chính.

Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ DN trong Bảng xếp hạng VNR500 2023, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước xét trên tổng thể toàn Bảng xếp hạng. Khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với hai khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực Tư nhân lại ghi nhận ROA bình quân và ROE bình quân ở chiều sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9%.

Trái ngược với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể, trong đó khu vực Nhà nước và Tư nhân có chung xu hướng giảm 0,5%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,5% so với năm trước.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nh ất trong 12 tháng tới từ góc nhìn DN VNR500.

picture1.png

Đáng chú ý, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông đã có năm thứ 2 liên tiếp được bình chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới.

Tiếp đến là Ngành Điện - Năng lượng với sự bình chọn của 37,8% số DN đã vươn lên vị trí thứ hai trong top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn trong 12 tháng tới (+10,1% so với kết quả khảo sát năm 2022).

Cái tên còn lại trong top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn là Tài chính - Ngân hàng.

Đối với lãi suất trên thị trường, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và hiện tại lãi suất huy động đã về tương đương giai đoạn 2021. Với thực tế “nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn”, tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022. Mức thực hiện này mới đạt một nửa so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm mà NHNN đặt ra là 14%, trong khi hai phần ba thời gian của năm đã trôi qua.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng tương đối chậm trong bối cảnh khó khăn chi phối hầu hết các ngành trong năm 2023, tuy nhiên, các DN nhận định rằng tình hình của ngành này vẫn có thể đi theo hướng tích cực trong năm tới theo đà phục hồi của nền kinh tế và DN.

Việc tăng cường trích lập và xử lý nợ xấu trong 2023 sẽ giảm bớt áp lực chi phí tín dụng trong 2024 cũng như khả năng lợi nhuận từ thu hồi nợ tăng lên. Bên cạnh đó, NIM có dư địa phục hồi khi môi trường lãi suất thấp được dự báo duy trì sang năm 2024, qua đó giúp kết quả kinh doanh của ngành trong 12 tháng tới khởi sắc hơn.

Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các DN được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank và BIDV lọt Top 10 bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO