Tin hội viên

Agribank Chi nhánh An Giang: Dồn lực “dòng chảy” tín dụng chuyển đổi xanh tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

ThS. Nguyễn Văn Hoàng - ThS.Trần Trọng Triết 23/04/2025 14:10

Xác định chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh An Giang (Agribank An Giang) đã dồn lực vốn tín dụng cho vay lĩnh vực chuyển đổi xanh trên địa bàn tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.

thu-hoach-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap..jpg

Hiện nay tỉnh An Giang đang triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cụ thể sản xuất lúa, thủy sản, cây ăn trái. Tỉnh đang khuyến khích nông dân chuyển đổi từ phương pháp canh tác truyền thống sang các biện pháp thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin, vụ Đông Xuân 2024 - 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các địa phương triển khai thành công 40 mô hình sản xuất lúa trên tổng diện tích 566ha. Điểm nổi bật của các mô hình này là khả năng giảm chi phí sản xuất trung bình tới 4,1 triệu đồng/ha so phương pháp canh tác đối chứng. Đồng thời, năng suất lúa tại các ruộng mô hình cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, cao hơn 0,78 tấn/ha. Nhờ những ưu điểm vượt trội này, lợi nhuận nông dân thu về từ mô hình tăng thêm gần 10 triệu đồng/ha...

Năm 2025, tỉnh An Giang triển khai thực hiện 44.015ha Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Trong quý I/2025, hơn 1.700ha thực hiện mô hình tại các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số tiểu vùng đã triển khai dự án VnSAT tiếp tục duy trì khoảng 20.609ha (đạt tiêu chí theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”); các diện tích canh tác áp dụng theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Có những những kết quả đó, theo ông Hiệp ngoài kỹ thuật canh tác sản xuất, phần lớn nhờ vào nguồn lực “tiếp sức” sát cánh cùng doanh nghiệp và nông dân của vốn tín dụng của Agribank An Giang.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho địa phương, Agribank An Giang cùng hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chung tay “tiếp sức” dồn lực vốn tín dụng cho vay doanh nghiệp và người dân đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Với mạng lưới rộng gắn khu vực nông thôn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, Agribank An Giang dành hơn 65% nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn với các sản phẩm tài chính hiện đại, tiện ích và an toàn; hơn tổ vay vốn hoạt động hiệu quả; chính sách tín dụng ưu đãi và 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai đồng bộ.

Số liệu từ Agribank An Giang cho thấy, đến cuối quý I/2025, dư nợ tín dụng của đơn vị đạt 19.160 tỷ đồng, trong đó cho vay mô hình Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh chiếm 20% (3.832 tỷ đồng). Bên cạnh đó là dành nguồn vốn tín dụng cho vay các động lực phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó, hàng trăm nghìn hộ nông dân, hộ nghèo và nhóm yếu thế có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hợp pháp, phục vụ sản xuất và đời sống.

An Giang là tỉnh đặc thù có nền kinh tế nông nghiệp đóng vai trò “trụ đỡ”, số lượng lao động, dân cư khu vực nông thôn chiếm đa số, việc tiếp cận vốn tín dụng với các dịch vụ tài chính an toàn, hợp lý góp phần tạo sinh kế, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh, từng bước phát triển kinh tế là hết sức quan trọng.

Với quyết tâm cao, không để địa bàn nông thôn nào bị “trắng” tín dụng, không để hộ gia đình nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn, mỗi cán bộ tín dụng Agribank An Giang phụ trách đến hàng ngàn khách hàng, trong đó đa phần là món vay nhỏ lẻ.

Bằng các chương trình tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là người dân và hộ sản xuất kinh doanh tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được áp dụng lãi suất ưu đãi, nhiều cá nhân và các mô hình kinh tế tập thể đã được tiếp cận nguồn vốn của Agribank, giúp phát triển sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Những nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, hỗ trợ hàng triệu hộ gia đình thoát nghèo bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương và đẩy lùi “tín dụng đen”.

Đáng chú ý, hiện nay ngành Ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ và tính bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển. Hòa cùng xu hướng đó, Agribank An Giang đang từng bước xây dựng “ngân hàng xanh” – một mô hình hoạt động hiện đại, số hóa, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nỗ lực nổi bật nhất là mô hình “ngân hàng không giấy”, một bước tiến chiến lược trong thúc đẩy tài chính bền vững. Thay vì thủ tục giấy tờ truyền thống, Agribank áp dụng hệ thống phê duyệt số hóa, giúp tăng tốc độ giao dịch và giảm lãng phí tài nguyên. Các giải pháp như văn phòng điện tử (eOffice), hợp đồng điện tử (eContract), biểu mẫu số (eForm) và danh thiếp điện tử (eCard) được triển khai đồng bộ, tạo môi trường làm việc hiệu quả và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, chữ ký số và eKYC giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, bảo mật mà không cần đến quầy.

Không dừng lại ở việc cải tiến quy trình vận hành, ngân hàng cũng đẩy mạnh tài trợ “tín dụng xanh”, ưu tiên cấp vốn cho các doanh nghiệp triển khai dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ và sản xuất bền vững. Đồng thời, Agribank khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số, hạn chế giao dịch tiền mặt nhằm giảm phát thải carbon từ in ấn và vận chuyển tiền.

Tài chính bền vững không còn là khẩu hiệu, mà đang trở thành thước đo đánh giá đóng góp của tổ chức tài chính đối với xã hội. Khi xu hướng “ngân hàng xanh” lan tỏa, những đơn vị tiên phong như Agribank sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi toàn ngành, góp phần kiến tạo nền kinh tế minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank Chi nhánh An Giang: Dồn lực “dòng chảy” tín dụng chuyển đổi xanh tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO