(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục tập trung vốn đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Ðồng thời, tích cực triển khai các chương trình theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 8,63% so với cuối năm 2021.
Theo NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, các TCTD luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Cơ cấu tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung vốn đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, góp phần hỗ trợ cho quá trình phục hồi và tăng trưởng các ngành kinh tế của địa phương. Tính đến cuối tháng 10, dư nợ cho vay tăng 8,63% so với cuối năm 2021.
Ðến cuối tháng 10/2022, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 99.526 tỷ đồng; dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2021. Cụ thể, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 59.049 tỷ đồng, tăng 10,2%, trong đó cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo dư nợ tín dụng là 10.762 tỷ đồng, tăng 7,46% so với cuối năm 2021, cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thuỷ sản xuất khẩu là 13.090 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tín dụng chính sách cũng được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đẩy mạnh. Ðến cuối tháng 10/2022, dư nợ cho vay ước đạt 4.032 tỷ đồng, tăng 9,08% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ tập trung ở 18 chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng khách hàng như cho vay hộ nghèo 323 tỷ đồng, với 15.687 hộ, cho vay học sinh, sinh viên 614 tỷ đồng, với 14.713 người, cho vay giải quyết việc làm 461 tỷ đồng, với 12.510 hộ, cho vay xuất khẩu lao động 29,6 tỷ đồng, với 1.156 hộ, cho vay nhà ở trả chậm 137 tỷ đồng, với 11.395 hộ, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 649,5 tỷ đồng, với 48.029 hộ, cho vay hộ nghèo về nhà ở 81,9 tỷ đồng, với 6.643 hộ, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 222,6 tỷ đồng, với 6.623 hộ, cho vay hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn 0,62 tỷ đồng, với 115 hộ, cho vay DTTS vùng ĐBSCL 7,7 tỷ đồng, với 968 hộ, cho vay thương nhân vùng khó khăn 4,5 tỷ đồng, với 123 hộ, cho vay hộ cận nghèo 881 tỷ đồng, với 30.948 hộ, cho vay các đối tượng khác 3,7 tỷ đồng, với 232 hộ, cho vay hộ mới thoát nghèo 565 tỷ đồng, với 16.462 hộ, cho vay hộ DTTS theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg 10,1 tỷ đồng, 351 hộ, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 15,6 tỷ đồng, 56 hộ, cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 10,2 tỷ đồng, 7 doanh nghiệp, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính học trực tuyến 4,5 tỷ đồng, 356 hộ, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 0,992 tỷ đồng, 12 hộ.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, các TCTD trên địa bàn đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, các giải pháp hỗ trợ chi phí dịch vụ thanh toán, cho vay mới cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
NHNN chi nhánh tỉnh An Giang đã tổ chức triển khai, thi hành kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh An Giang và của Thống đốc NHNN đến các TCTD trên địa bàn về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Theo báo cáo các ngân hàng thương mại trên địa bàn, cuối tháng 9/2022, các ngân hàng đã ký hợp đồng hỗ trợ lãi suất 127 tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 43,4 tỷ đồng. Chi nhánh cũng làm việc trực tiếp với Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ.
Theo NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD trên địa bàn, với cho vay ngắn hạn lãi suất tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 5,5 - 8%/năm; trung, dài hạn từ 8 - 10%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ngắn hạn 3 - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5 - 6%/năm. Các TCTD đều tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt dòng tiền ra thị trường; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để huy động vốn, đến cuối tháng 9/2022, nguồn vốn huy động ước đạt 62.716 tỷ đồng, tăng 7,31% so với cuối năm 2021 và đáp ứng được 63,01% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, thặng dư thương mại tăng, doanh nghiệp rất kỳ vọng sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên. Song, việc chi phí vốn tăng là điều doanh nghiệp đang khá lo lắng nhất là khi bước vào chu kỳ sản xuất kinh doanh cao điểm cuối năm và đơn hàng cho đầu năm 2023. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp ngành may mặc và thủy sản, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vừa điều chỉnh tăng, doanh nghiệp có khả năng giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ do đơn hàng giảm.
Một giám đốc công ty may mặc ở tỉnh cho biết: “Khó khăn nhưng vẫn phải vay để duy trì hoạt động của công ty. Tưởng rằng dịch bệnh được kiểm soát tốt, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Nhưng gần về cuối năm, khủng hoảng an ninh năng lượng, các căng thẳng chính trị trên thế giới… đã ảnh hưởng đến đơn hàng của công ty. Ðơn hàng giảm, giá gia công giảm, lãi vay lại tăng, năm nay có thể lỗ nếu các chi phí tiếp tục tăng”.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, các tháng cuối năm, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, hạn chế “tín dụng đen”. Ðồng thời theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất của chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp.
NHNN chi nhánh tỉnh An Giang tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương và chính quyền địa phương để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ngân hàng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các chi nhánh TCTD trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định của NHNN và pháp luật về tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, vàng, lãi suất, thu phí, tín dụng, phòng chống rửa tiền, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm của các TCTD trên địa bàn.
Ba là, giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các TCTD trên địa bàn, tập trung vào những TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao. Chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá lại các khoản nợ xấu theo quy định.
Bốn là, tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh tốt.
Năm là, quán triệt trong toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sáu là, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay khi thực hiện mở rộng tín dụng.
Bảy là, chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn…
Tám là, quản lý, theo dõi hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngoại hối và vàng. Giám sát các TCTD trong việc chấp hành các quy định về mua, bán vàng miếng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ và Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.