(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn, đồng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang chắp cánh công nghiệp hóa nông nghiệp trên địa bàn, đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế địa phương, kinh tế hộ gia đình, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Chính sách khuyến khích tín dụng “tam nông” của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn là nhiệm vụ chính trị gắn với sứ mệnh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Chính vì vậy, Agribank chi nhánh tỉnh An Giang luôn coi thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm, cốt lõi để đầu tư nhiều nguồn lực tài chính.
Đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp
Trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được phổ biến và nhân rộng. Việc đưa công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi tại hộ đã góp phần giải phóng sức lao động của người dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng sản phẩm sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Thời gian qua, tỉnh An Giang thực hiện mô hình liên kết, hợp tác giữa hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp (DN) tạo ra khu sản xuất tập trung, phát triển “cánh đồng lớn”, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra sản lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu thị trường. Diện tích thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX, tổ hợp tác (THT) với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực ngày càng tăng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia.
An Giang xác định kinh tế mũi nhọn của sản xuất nông nghiệp là cây lúa và con cá tra. Để nâng cao chất lượng, sản lượng của 2 loại nông sản và thủy sản này, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án để phát triển, trong đó một phần là nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Từ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao được ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn, truyền tải đến hộ dân thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mà thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tự đưa công nghệ cao vào sản xuất tại kinh tế hộ, THT và HTX bằng cách chuyển đổi hình thức nuôi cá tra từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ cao; đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ cho việc sản xuất lúa chất lượng cao hữu cơ.
Đáng chú ý, như vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành. Vùng liên kết sản xuất thủy sản (cá tra) quy mô lớn tại TP. Long Xuyên, Châu Phú; vùng liên kết chăn nuôi heo tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Phú; vùng liên kết chuyên canh trồng xoài tại huyện Chợ Mới, An Phú; vùng liên kết trồng chuối cấy mô tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn...
Năm 2021, đã có 30 DN triển khai liên kết sản xuất thông qua 46 HTX và 249 THT, diện tích liên kết lúa (nếp) đạt 87.698ha (trong đó chuỗi liên kết sản xuất lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai 70.000ha), diện tích liên kết rau màu 3.981ha, diện tích liên kết cây ăn trái 1.356ha.
Điển hình như HTX An Phước Lộc ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn chính thức thành lập tháng 4/2022 với 24 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, HTX triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và DN khác. Vụ hè thu 2022, HTX liên kết sản xuất 430ha giống OM18 và OM5451, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Đó là các mô hình “truyền thống”, “bao lợi nhuận”, “không dấu chân”, “truyền thống nâng cao”.
Được biết, các mô hình đều được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và thu mua nông sản với giá thỏa thuận, bước đầu tạo được niềm tin trong thành viên, hội viên nông dân khu vực. “Mô hình không dấu chân” trên mặt ruộng có thể xem là tiêu biểu cho sản xuất tập trung theo định hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vụ hè thu 2022, HTX có 2 thành viên thực hiện mô hình đối chứng trên 6ha.
Diện tích “mô hình không dấu chân” hoàn toàn cơ giới hóa, sử dụng máy bay không người lái trong gieo sạ lúa, rải phân và phun thuốc. Khâu thu hoạch dùng máy cắt suốt liên hợp có thùng chứa lúa (khoảng 1 tấn). Sau khi cắt đầy, lúa được chuyển sang xe kéo ra nơi tập kết. Lúa được qua cân điện tử, băng truyền tải tự động để xuống ghe vận chuyển, nông dân chỉ nhận phiếu xác nhận số lượng. So với thu hoạch truyền thống, nông dân không cần dùng đến bao bì đựng lúa, giảm lao động hứng lúa vào bao và vận chuyển lúa ra bãi, bốc vác xuống ghe. Từ đó, từng bước hạ chi phí khâu thu hoạch. Xét về hiệu quả, “mô hình không dấu chân” trên mặt ruộng đem lại lợi nhuận hơn sản xuất kiểu truyền thống từ 10-15%.
Song hành tiếp sức đầu tư công nghiệp hóa nông nghiệp
Khuyến khích cho vay tam nông luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Mới đây, Nghị quyết 19-NQ/TW lại tiếp tục nhấn mạnh việc tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho tam nông. Thực tế những năm qua trên địa bàn tỉnh An Giang cho thấy, nguồn vốn chủ lực cho nông nghiệp, nông thôn vẫn dựa chủ yếu vào Agribank An Giang.
Với vai trò trọng yếu đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua Agribank An Giang làm tốt công tác đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này và các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ. Cụ thể hóa việc cân đối và bố trí nguồn vốn tín dụng kịp thời, đảm bảo đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng, tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần tích cực trong thực hiện thành công công nghiệp hóa nông nghiệp thông qua mô hình liên kết hợp tác. Đảm bảo nguồn lực tài chính để cung ứng vốn cho vay đối với khách hàng; bám sát các chương trình kinh tế của UBND tỉnh An Giang và các địa phương, chú trọng đầu tư vào các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Kết quả dư nợ cho vay nền kinh tế tại đơn vị luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm. Nếu năm 2018 dư nợ cho vay khoảng 11.367 tỷ đồng, năm 2019 đạt 12.332 tỷ đồng, năm 2020 đạt 13.384 tỷ đồng, năm 2021 đạt 14.206 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Không dừng lại ở đó, đến ngày 31/8/2022 dư nợ cho vay tại đơn vị lên tới 14.990 tỷ đồng, tăng 784 tỷ đồng, so với cuối năm 2021. Nợ xấu chiếm tỷ trọng 0,64%/tổng dư nợ. Thị phần tín dụng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định với tỷ trọng thường xuyên dao động từ 10% đến 12% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn duy trì ở mức cao và chiếm tỷ trọng từ trên 80% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Báo cáo thống kê của NHNN chi nhánh An Giang |
Các chương trình, chính sách tín dụng hiện nay của Agribank An Giang đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực truyền tải vốn tín dụng của Agribank đến khách hàng; thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển và hoàn thiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực hoạt động thực chất, hiệu quả, góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của An Giang trong tiến trình hội nhập.
Với kết quả này, Agribank An Giang là ngân hàng có quy mô tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lớn nhất trong các ngân hàng thương mại trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Đồng thời, chung sức cùng với chính quyền thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Agribank An Giang đã triển khai cho vay các chương trình tín dụng trọng điểm đó là: Chương trình cho vay qua tổ, Chương trình cho vay qua chuỗi liên kết, Chương trình cho vay Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Chương trình cho vay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao với hai nội dung mang tính đột phá: cho vay ứng trước vốn ngân sách để xây dựng các công trình cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn và cho vay chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Cùng với đó, đơn vị cũng triển khai hàng loạt sản phẩm dịch vụ, ngân hàng tiện ích để phục vụ người tiêu dùng khu vực nông thôn, nhất là dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, ngân hàng bán lẻ…. Từ đó, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nguồn vốn đầu tư của Agribank An Giang đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói chung và lĩnh vực tam nông nói riêng, có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Agribank An Giang còn đồng hành cùng với tỉnh thực hiện các nội dung về chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Các hoạt động của Agribank An Giang tập trung vào việc hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo được tiếp cận về bảo hiểm y tế và quà cho cho các đối tượng chính sách, hộ khó khăn, hỗ trợ xe cứu thương. Agribank An Giang còn có những giải pháp cụ thể như xây dựng các gói tín dụng để đưa tín dụng đến với người nghèo, cận nghèo; các gói tín dụng hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh từ đó tạo ra sự lan tỏa và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Giải pháp đẩy mạnh tín dụng “tam nông” thời gian tới
Trên cơ sở bám sát các mục tiêu định hướng phát triển của chính quyền địa phương, Agribank An Giang xác định đầu tư vốn cho sản xuất nông nghiệp là mục tiêu trọng yếu và nỗ lực cung ứng đủ vốn vay cho DN và bà con nông dân thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại. Agribank An Giang chú trọng công tác điều hành kinh doanh, bám sát chỉ tiêu kế hoạch và chấp hành các quy định, cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Agribank An Giang đã đề ra nhiều giải pháp trọng yếu, đầu tư vốn đúng trọng tâm, trọng điểm tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển sản xuất ổn định như đầu tư vốn để nông dân trồng chăm sóc các loại cây công nghiệp và cây ăn trái.
Với mục tiêu không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh, Agribank An Giang phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhất là các sản phẩm ngân hàng hiện đại: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ qua kênh điện tử, phát triển dịch vụ mới có tính nổi trội trên nền tảng E-Banking; tiếp tục triển khai dịch vụ tài khoản số đẹp, mở tài khoản trực tuyến eKYC; tăng cường mở rộng dịch vụ thu/chi hộ; mở rộng hoạt động AutoBank CDM, đẩy mạnh kết nối POS; mở rộng liên kết dịch vụ ngân hàng - bảo hiểm… .Đặc biệt, Agribank An Giang ra mắt và triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa Lộc Việt theo chuẩn VCCS sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, tích hợp hai ứng dụng thẻ ghi nợ và tín dụng trên cùng một chip, giúp khách hàng linh hoạt và chủ động trong lựa chọn phương thức thanh toán. Qua đó, tạo sự gắn kết với cộng đồng DN, cơ sở công nghiệp nông thôn, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.