(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mặc dù nhiều dự báo lạm phát trong năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, tuy nhiên, vẫn không thể lơ là, chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm 2021 dự báo tăng khá mạnh (có thể ở mức 2,8% so với mức 2% năm 2020), áp lực lạm phát Việt Nam cũng đã bắt đầu “nhen nhóm”.

Các yếu tố đẩy áp lực lạm phát lên vẫn hiện hữu

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô vừa được Công ty Chứng khoán VNDIRECT công bố, các chuyên gia của công ty đưa ra nhận định: “Áp lực lạm phát gia tăng”. Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 dù giảm nhẹ (0,04%) so với tháng 3/2021 nhưng đã tăng 1,27% so với đầu năm và tăng 2,7% so với tháng 4/2020.

 

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng được VNDIRECT chỉ ra chủ yếu là do chỉ số giao thông tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái với giá xăng RON95 trong nước bình quân tháng 4/2021 ở mức 19.001 đồng/lít, cao hơn 43,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,8% so với cùng kỳ, chủ yếu là do giá gas và giá sắt thép tăng, cụ thể: Giá bán lẻ bình quân của bình LPG 12kg tăng 37,2% so với cùng kỳ lên mức 380.000 đồng/bình trong tháng 4/2021; giá thép xây dựng trung bình tháng 4/2021 tăng lên mức 15,7 triệu đồng/tấn, tăng 44% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, giá thịt lợn hơi bình quân tháng 4/2021 giảm 9,7% so với cùng kỳ xuống 73,720 đồng/kg (-2,2% so với tháng trước), khiến chỉ số giá lương thực giảm 0,7% so với cùng kỳ.

Với diễn biến thị trường, các chuyên gia của VNDIRECT kỳ vọng chỉ số CPI nhóm giao thông vận tải sẽ duy trì đà tăng trong 2 tháng tới. VNDIRECT dự báo giá xăng RON95 bình quân ở mức 19.636 đồng/lít trong giai đoạn tháng 5&6/2021, cao hơn 46,8% so với mức giá của giai đoạn tháng 5&6/2020. Giá thép xây dựng cũng được dự báo sẽ duy trì xu thế tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép, phế liệu và chi phí vận chuyển tiếp tục tăng....

“Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên, đạt trung bình 4 - 5% so với cùng kỳ trong quý II/2021. Áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt trong giai đoạn tháng 8 – 12/2021 nhờ CPI nhóm lương thực thực phẩm giảm và giữ nguyên dự báo CPI bình quân năm 2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ”, các chuyên gia của VNDIRECT dự báo.

 

Trong một ấn phẩm vừa công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cũng đưa ra nhận định: “Mặc dù nhiều dự báo lạm phát trong năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, tuy nhiên, vẫn không thể lơ là, chủ quan trong kiểm soát lạm phát”.

Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cho biết, có một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể trong năm nay. Đầu tiên là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm 2020. Khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên.

Bên cạnh đó, lượng tiền mà các nước, các ngân hàng trung ương (NHTW) bơm ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn, hay các động thái tiếp tục nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất… trong thời gian qua sẽ có tác động mạnh hơn trong năm nay và năm tới, khiến lạm phát trên toàn cầu dự báo có thể tăng tương đối.

Các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép lên lạm phát. Trong khi đó ở trong nước, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.

Lạm phát do chi phí đẩy là mối quan ngại chính trong nửa cuối năm 2021

Do sự phục hồi của cầu tiêu dùng và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, chi phí đầu vào trên toàn cầu đã tăng mạnh trong vài tháng gần đây. Theo IHS Markit, trong tháng 3/2021, chỉ số giá nguyên liệu đầu vào đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm tháng 8/2008, dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn bằng cách chuyển chi phí sang cho khách hàng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát có sự khác biệt rõ rệt giữa các nền kinh tế lớn, trong đó: Mỹ ghi nhận sự tăng giá đầu ra của hàng tiêu dùng mạnh nhất, vượt xa mức tăng ở các nước châu Âu và châu Á.

Theo IHS Markit, tình trạng khan hiếm nguồn cung đã khiến chi phí đầu vào của các nhà sản xuất Việt Nam tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021. Dữ liệu mới nhất cho thấy chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất chỉ trong hơn 3 năm và các nhà sản xuất đã chuyển chi phí đầu vào cao hơn cho khách hàng của họ. Nhìn vào dữ liệu ngành một cách chi tiết, chi phí tăng kỷ lục xuất hiện ở nhiều ngành như: thức ăn chăn nuôi, thép, giấy, hóa chất…

 

Số liệu thống kê về chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra trong báo cáo vĩ mô vừa công bố cho biết, chi phí ngô cho thức ăn chăn nuôi đã tăng 46% so với đầu năm và giá đậu tương cao hơn 18% so với đầu năm. Theo đó, giá thức ăn gia súc cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn khoảng 10-15% kể từ cuối năm 2020. Dù vậy, giá thịt lợn vẫn chưa chịu ảnh hưởng do nguồn cung trong nước phục hồi và nhập khẩu thịt lợn tăng. Hiện tại, cả doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt gia súc, gia cầm đều đang bị ảnh hưởng bởi sự tăng mạnh từ chi phí đầu vào. Nếu chi phí sản xuất tiếp tục tăng, gánh nặng sẽ chuyển sang người tiêu dùng đồng thời góp phần làm tăng CPI năm 2021.

Hay đối với ngành thép, giá thép được đẩy lên cao bởi tình trạng khan hiếm quặng sắt và việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng đầu ra. Mặc dù giá thép tăng mạnh đã giúp các nhà sản xuất thép trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021 nhưng giá thép tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xây dựng và nhà ở. Các ngành này hiện đang gánh sức ép từ việc giá thép tăng cao, nếu xu hướng này tiếp tục, các nhà xây dựng và phát triển bất động sản sẽ phải chịu áp lực đáng kể.

Cho đến thời điểm hiện tại, ghi nhận của VDSC cho thấy, các mặt hàng tăng giá không thể hiện lạm phát giá tiêu dùng. Chi phí đầu vào tăng chỉ chiếm một phần chi phí cho các nhà sản xuất và bán lẻ nhưng giá đầu vào tiếp tục tăng cuối cùng có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Giá hàng hóa tăng cao trên diện rộng đã thúc đẩy kỳ vọng về một chu kỳ mới, đây là một khoảng thời gian kéo dài khi nhu cầu thúc đẩy giá cao hơn xu hướng dài hạn của chúng.

Vậy, chu kỳ hàng hóa này sẽ kéo dài bao lâu?. Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia của VDSC cho rằng: “Xu hướng lạm phát là yếu tố then chốt đối với hoạt động của thị trường trong nửa cuối năm 2021”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực lạm phát gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO