Vấn đề - Nhận định

Áp lực lên tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt

Đoàn Hằng 17/06/2024 - 16:04

Thông điệp rõ ràng hơn từ FED, sự ổn định của môi trường vĩ mô, sự linh hoạt và chủ động trong điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước… sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

ty-gia-1-1-.jpeg
Áp lực lên tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt

Sáng ngày 17/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giữa đồng Việt Nam (VND) với đô la Mỹ (USD) ở mức 24.259 đồng, tăng 10 đồng so với ngày 14/6. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.471 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.046 VND/USD.

Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD. Trong khi đó, giá mua - bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh theo xu hướng đi ngang/tăng nhưng chủ yếu là tăng với biên độ phổ biến từ 5-10 đồng so với phiên trước, ví như: Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 25.201 - 25.471 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng cả hai chiều mua - bán so với phiên trước; Techcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 25.228 – 25.461 VND/USD, tăng 11 đồng chiều mua vào và 4 đồng chiều bán ra so với phiên trước; Eximbank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 25.210 - 25.460 VND/USD, đi ngang so với phiên trước.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ ngày 10 – 14/6 biến động nhẹ. Chốt phiên giao dịch tuần qua (ngày 14/6), tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.454 VND/USD, tăng 54 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Còn trong phiên hôm nay (17/6), tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại mức 25.455 VND/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Mặc dù chịu áp lực tăng, tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, VND giảm ở mức 4,97% so với đồng USD, thấp hơn nhiều so với mức độ mất giá của các đồng tiền khác trong khu vực, ví như: Baht Thái giảm 7,07%; KRW của Hàn Quốc giảm 6,65%; IDR của Indonesia giảm 6,5%; PHP của Philippines giảm 5,98%; JPY của Nhật Bản giảm 11,57%...

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đặt trong bối cảnh biến động của thị trường tiền tệ trên thế giới, mức mất giá của đồng VND so với đồng USD từ đầu năm đến nay là hợp lý. Để có được sự ổn định như trên, NHNN đã có sự linh hoạt, chủ động và kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách ngoại hối, có thể kể đến như: NHNN đã thực hiện các biện pháp bán ngoại tệ nhằm bình ổn thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ; điều chỉnh tăng lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu, nhằm giảm chênh lệch với lãi suất USD…

Nhận định về diễn biến tỷ giá USD/VND thời gian tới, giới chuyên môn tin rằng, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt, nhất là khi thông điệp từ Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trở lên rõ ràng hơn. Cụ thể, ngày 12/6 vừa qua, FED đã ra thông báo giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở biên độ từ 5,25% đến 5,5%. Đây là lần thứ 7 FED giữ nguyên mức lãi suất này, mức cao nhất trong vòng 23 năm qua. Đi cùng với thông báo trên, FED cũng đưa ra thông điểm sẽ dự định cắt giảm lãi suất 1 lần vào cuối năm 2024 và ở mức khoảng 0,25%, thay vì 3 lần như dự báo đưa ra từ cuối năm 2023.

Với quyết định được FED đưa ra, giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi ngược chiều lãi suất với FED khi giảm nhiều lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm từ năm 2023. Do đó, tác động của động thái lần này của FED đối với kinh tế Việt Nam cũng không nhiều. Thời gian qua, đồng VND tương đối ổn định so với đồng USD và chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng chủ động, độc lập. Các chuyên gia dự báo, NHNN chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực lên tỷ giá VND sẽ khó giữ được lâu, vì dư địa cắt lãi suất của Mỹ là rất lớn. Cơ sở cho nhận định này đến từ các yếu tố: (i) lạm phát hạ nhiệt trở lại và dự kiến sẽ đẩy nhanh hơn do hiệu ứng “lạm phát đuổi kịp”; (ii) lạm phát do yếu tố cầu kéo đang về lại ngưỡng trung bình trong giai đoạn trước đây cho thấy tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kìm hãm lạm phát là có hiệu quả và đang đạt ngưỡng giới hạn; (iii) nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc mạnh khi tăng trưởng GDP có điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ (SAAR) giảm từ 3,4% (quý IV/2023) về mức 1,3% trong quý I/2024.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia của VDSC không loại trừ khả năng FED thay đổi lập trường sớm hơn kì vọng của thị trường hiện tại để tránh bỏ lại phía sau “đường cong” và qua đó giúp nền kinh tế hạ cánh mềm.

“Trong đoạn cuối con đường ứng phó với chu kỳ thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn, chúng tôi cho rằng NHNN vẫn còn dư địa để neo giữ bằng lãi suất trong biên độ hợp lý thông qua các nghiệp vụ thị trường mở như phát hành tín phiếu, cầm cố giấy tờ có giá và bán USD giao ngay với mục đích duy trì một lượng thanh khoản hợp lý thay vì trạng thái dư thừa như trước đây, đồng thời thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND giúp cho áp lực rút ròng USD dịu dần trước khi FED thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên”, các chuyên gia VDSC dự báo.

Với các tín hiệu hiện nay, các chuyên gia của CTCK Vietcombank cho rằng, trong điều kiện thuận lợi, vào thời điểm cuối năm, VND có thể ghi nhận mức giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD.

Các chuyên gia thuộc CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo, tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm khi FED thực hiện việc hạ lãi suất. Trên cơ sở đó, các chuyên gia của KBSV duy trì dự báo về mức tăng của tỷ giá là 3,5% trong năm 2024, tương ứng đạt 25.120 USD/VND.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm về áp lực tỷ giá tăng tại phiên họp ngày 29/5, Kỳ họp thứ VII, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là một diễn biến chung của các nước trên thế giới và khu vực, thực tế nhiều đồng tiền trong khu vực cũng đang mất giá ở mức độ tương đối cao. Trong một môi trường kinh tế thế giới biến động như vậy, việc tỷ giá tăng hay lúc tăng, lúc giảm là một điều bình thường.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN đã theo dõi rất sát và vừa qua thực hiện phối hợp đồng bộ các giải pháp, chính sách để có thể điều tiết tiền tệ để đảm bảo được nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước.

Thống đốc cho biết trong thời gian vừa qua, nguồn ngoại tệ cung ứng chủ yếu là cho những nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất trong nước. Như vậy, chắc chắn trong thời gian tới, sự phát triển của sản xuất cũng như xuất khẩu tăng sẽ hỗ trợ trở lại cho cung cầu ngoại tệ. Đặc biệt, khi có yếu tố biến động tăng của chỉ số đô la Mỹ, các doanh nghiệp cũng tăng cường mua kỳ hạn (mua trước), điều này có nghĩa là trong tương lai có thể sẽ giảm nhu cầu ngoại tệ, cùng với đó FED có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm, cũng như nhiều dự báo cho thấy tỷ giá vào cuối năm nay sẽ hạ nhiệt… “Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và các doanh nghiệp yên tâm về điều hành của Chính phủ và NHNN”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực lên tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO