Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13: Kích thích dòng vốn chảy mạnh hơn vào nền kinh tế

ThS. Trần Trọng Triết 18/03/2025 - 08:55

“Vòng quay tiền” được xác định có ý nghĩa quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế, theo đó, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 (Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh) đã đẩy nhanh tốc độ “vòng quay vốn” nhằm tăng cường mở rộng tín dụng kênh sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng và lĩnh vực ưu tiên để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai chữ số.

agribank-giam-lai-suat-cho-vay..jpeg
Ảnh minh họa

Nhằm kích thích dòng vốn chảy mạnh hơn vào nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực hỗ trợ thanh khoản hệ thống, hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất rẻ được xem là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp mạnh dạn “rót vốn” vào sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn. Để sớm tăng cường tín dụng, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng mở rộng sản xuất kinh doanh, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn khu vực đẩy mạnh giải pháp kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nắm bắt tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục vay vốn nhằm giải ngân vốn vay kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Đậm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 chia sẻ, đến cuối tháng 2/2025, tín dụng Khu vực 13 đạt tổng dư nợ 382.304 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm 55% tổng dư nợ trên địa bàn.

Các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, nhất là với phân khúc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và vay mua nhà. Hiện nay, mặt bằng lãi suất thấp sẽ duy trì ít nhất đến hết năm 2025 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tín dụng; đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Theo bà Đậm, để tiếp tục tăng “vòng quay tiền” “bơm” vào nền kinh tế có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 tiếp tục kiểm soát chặt cơ cấu tín dụng và địa chỉ giải ngân của ngân hàng, tránh không để dòng tiền chảy vào các phân khúc dễ đầu cơ, tạo “bong bóng tài sản”. Bên cạnh đó, theo dõi sát sao chỉ số lạm phát, không để giá cả tăng vọt, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Đậm cho biết thêm, chính sách tiền tệ tiếp tục hướng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng năm 2025 định hướng tăng trưởng 16%. Theo đó, ngành Ngân hàng Khu vực 13 tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tinh thần của chương trình này là “cho vay và giải ngân thực tế”. Đặc biệt là trong điều kiện lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay rất tốt so với những năm trước, đây sẽ là cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp vay vốn, giảm chi phí tài chính.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh trong năm 2025 có thể yên tâm về lãi suất, và ngành Ngân hàng Khu vực 13 đang tổ chức và triển khai giải ngân các gói tín dụng ưu đãi.

bd.jpg

Thời gian tới, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa cần xác định sát sao phân kỳ cho vay theo chu kỳ sản xuất kinh doanh của khách hàng, đối với hoạt động cho vay vốn ngắn hạn ngân hàng thường cho vay thương mại, những khoản vay mua hàng bán ra thị trường cần nhanh chóng, kịp thời với xu hướng kinh doanh trên thị trường.

Khi có những mô hình sản xuất mới, tài sản đảm bảo, khách hàng mới có thể liên hệ với các ngân hàng thương mại để trình bày nhu cầu sản phẩm kinh doanh của đơn vị để được duyệt cho vay tín chấp hay có tài sản đảm bảo. Thực tế, với các khoản vay cây, con, nhà, khi duyệt cho vay, ngân hàng thường căn cứ vào vòng đời sản phẩm để cấp khoản vay tín dụng. Chẳng hạn, người nuôi cá, vòng đời 8 - 9 tháng/vụ cá, ngân hàng sẽ cho vay bổ sung vốn lưu động để người chăn nuôi mua thức ăn cho cá ăn lúc cao điểm…

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy, dù chính sách tiền tệ có tính đa mục tiêu, nhưng cũng không thể là “chìa khóa vạn năng”. Dù lạm phát đang ở mức thấp được xem là điều kiện thuận lợi để tăng cung tiền, nhưng để nền kinh tế tăng trưởng bền vững, đạt mục tiêu đề ra, thì bên cạnh việc tăng cung tiền ra nền kinh tế, quan trọng là các cơ quan quản lý phải sớm có giải pháp tổng lực đẩy nhanh tốc độ chu chuyển dòng vốn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13: Kích thích dòng vốn chảy mạnh hơn vào nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO