Bao giờ hoạt động kinh doanh du lịch mới trở lại bình thường?

Thanh Thanh| 24/04/2020 18:02
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kết quả khảo sát 541 đơn vị kinh doanh du lịch ở 394 doanh nghiệp (DN) cho thấy đại dịch Covid-19 làm các DN này thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Đáng chú ý, hơn 82% DN nhận định hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào đầu quý III/2020, thậm chí hơn 41% DN dự đoán tiêu cực hơn là phải đến năm sau thì mới có thể phục hồi trở lại.

Khảo sát do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tiến hành từ ngày 13/4 đến 17/4/2020. Trong số 394 DN tham gia khảo sát (541 đơn vị kinh doanh) đơn vị lữ hành chiếm 51,4%, khách sạn là 15,3% và vận chuyển là 14,2%. Trong số đó, 92,6% DN tham gia khảo sát là DN nhỏ và vừa (có dưới 100 nhân viên)

Theo kết quả khảo sát, 70,8% DN cho biết doanh thu quý I/2020 giảm tới 70% so với quý I/2019. Trong quý II/2020, 27,4% DN dự kiến doanh thu sẽ giảm hơn 80% so với quý II/2019. Đặc biệt, 50% DN còn dự đoán họ sẽ không có doanh thu trong quý II/2020.

Phần lớn khách sạn (65%) trả lời rằng doanh thu quý I/2020 của họ chưa đạt được 30% so với quý I/2019. Khoảng 1/3 số khách sạn được hỏi cho biết giá phòng bình

quân của họ trong quý I/2020 bằng 30 - 50% cùng kỳ năm 2019 (giảm 50 - 70%). Trong khi 1/3 còn lại có giá phòng bình quân ở mức 70 - 100% so với quý I/2019.

Để ứng phó với khó khăn, 65,7% số DN tham gia khảo sát đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, trong đó gần 20% số DN phải cắt giảm toàn bộ nhân viên (100%).

Có 78% DN tham gia khảo sát đã chọn cắt giảm tiền lương hoặc cắt giảm nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí. Chỉ có 75% DN có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc. Có 8,9% DN tham gia khảo sát chọn phương án cực đoan hơn là đóng cửa kinh doanh.

Do đại dịch, DN phát sinh thêm nhiều chi phí cho vệ sinh và khử trùng. Ngay cả khi không có doanh thu hoặc doanh thu thấp hơn so với kinh doanh bình thường, tất cả các chi phí quản lý như tiền thuê nhà, tiền lương, tiền lãi vẫn phát sinh. Các DN phải tạm thời đóng cửa kinh doanh vẫn phải chịu chi phí thuê địa điểm hoặc trả lương. Chỉ có 4% DN được khảo sát cho biết không phát sinh thêm chi phí.

Về thời điểm hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường, 82,7% DN tham gia khảo sát nhận định hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào đầu quý III/2020, thậm chí 41,1% DN dự đoán tiêu cực hơn là phải đến năm sau thì mới có thể phục hồi trở lại.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn 88% DN phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. Các DN cũng cho rằng, sau dịch, ngành du lịch sẽ cần phải cơ cấu lại mạnh mẽ để phát triển, cần ưu tiên cơ cấu lại DN (về số lượng nhân viên, về loại hình dịch vụ của DN) và cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

Trước mắt, để tồn tại và duy trì hoạt động qua đại dịch, các DN cho rằng, bản thân DN đã phải ưu tiên các biện pháp kiểm soát chi phí nhưng vẫn rất cần các chính sách tài chính của nhà nước để hỗ trợ DN. Gần 90% DN tham gia khảo sát quan tâm tới khả năng nhận được một khoản vay từ Chính phủ để phục hồi sau dịch.

Đại diện TAB cho biết sau khảo sát này, Ban IV sẽ gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ để đề xuất các giải pháp hỗ trợ để ngành du lịch sớm phục hồi trở lại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ VHTT&DL vừa gửi Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ VHTT&DL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các DN trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói này sẽ hỗ trợ các DN phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.

Với DN vừa và nhỏ, chủ nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, Bộ VHTT&DL đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19; miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020...

Đề nghị hỗ trợ DN tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia. Đề xuất Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ DN lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.

Bộ VHTT&DL đề nghị cho phép DN du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6/2021; đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm. Đề xuất hỗ trợ cơ sở đào tạo du lịch triển khai dạy học online.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hoạt động kinh doanh du lịch mới trở lại bình thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO