Trước bối cảnh toàn cầu hóa, sự gia tăng niềm tin giữa người bán và người mua cùng sự phát triển của các giải pháp tài chính đa dạng thì xu hướng chuyển dịch từ phương thức thương mại truyền thống sang thanh toán ghi sổ càng trở nên tất yếu. Là một thị trường cận biên cho hoạt động bao thanh toán, Việt Nam được đánh giá là có rất nhiều cơ hội phát triển hoạt động này.
Đó là nhận định của chuyên gia tại hội thảo về hoạt động Bao thanh toán do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế (IFC) và thành viên Nhóm Ngân hàng Thế Giới (WBG) tổ chức trong 2 ngày 11 và 12/4 tại Hà Nội.
Bao thanh toán cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp
Khẳng định bao thanh toán là một sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, là nguồn tài chính thuận tiện và hiệu quả cho khu vực tư nhân, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng sự phát triển của bao thanh toán sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tài chính của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Về vai trò của bao thanh toán, ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc sản phẩm tài trợ thương mại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered - Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) cho rằng bao thanh toán là cơ hội để định hình một tương lai bền vững. Lý giải nhận định này, ông Vũ Ngọc Anh cho rằng trước bối cảnh toàn cầu hóa, sự gia tăng niềm tin giữa người bán và người mua cùng sự phát triển của các giải pháp tài chính đa dạng hỗ trợ phương thức thanh toán ghi sổ thì xu hướng chuyển dịch từ phương thức thương mại truyền thống tốn kém, hiệu quả thấp sang thanh toán ghi sổ càng trở nên tất yếu và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
"Việt Nam hiện đang là thị trường cận biên cho hoạt động bao thanh toán và bao thanh toán ngược với cơ hội phát triển là rất lớn khi đứng đầu khu vực về thu hút FDI. Nền kinh tế Việt Nam cũng định hướng xuất khẩu với tăng trưởng hai con số mỗi năm", ông Vũ Ngọc Anh nhận định.
Về vai trò của bao thanh toán, đại diện của Standard Chartered chỉ ra 5 yếu tố gồm: Thứ nhất, nhu cầu tài trợ vốn giúp chuyển các khoản phải thu thành tiền mặt, bơm thanh khoản vào chuỗi cung ứng.
Thứ hai, khả năng kiểm soát rủi ro giúp tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thứ ba, tối ưu hóa vốn lưu động khi giảm thời gian thu tiền bán hàng tồn đọng, khả năng đàm phán thời hạn thanh toán tốt hơn với nhà cung cấp, chi phí chuỗi cung ứng thấp hơn.
Thứ tư, tầm nhìn và kiểm soát tốt hơn khi nền tảng kỹ thuật số tự động hóa toàn bộ quy trình, giảm thời gian xử lý và lỗi thủ công, khách hàng có thể tùy biến các loại báo cáo quản trị/thông tin tổng hợp để hỗ trợ dự báo dòng tiền và thực hiện chiến lược phát triển, quản lý nhà cung cấp một cách hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường hiệu quả hoạt động và bảng cân đối kế toán do có thể phân loại các khoản tài trợ vào khoản mục ngoài bảng cân đối, tùy vào cấu trúc của giải pháp và đánh giá của công ty kiểm toán. Khách hàng cũng có thể lựa chọn linh hoạt giảm thiểu những thay đổi trong quy trình thu nợ hoặc sử dụng dịch vụ quản lý sổ cái và thu nợ của chính ngân hàng tài trợ.
Nói về vai trò của bao thanh toán, ông Kojimo Masao – Tổng Giám đốc MUFG (Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài) cũng nhận định, bao thanh toán là một nội dung quan trọng.
"Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài cũng đã theo dõi sát sao hoạt động thanh toán tại Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, lắng nghe nguyện vọng của ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân, cho phép dịch vụ bao thanh toán đi theo thông lệ quốc tế", ông Kojimo Masao nói.
Thách thức của phát triển bao thanh toán
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng bao thanh toán là sản phẩm quan trọng nhưng chưa thực sự phát triển tại Việt Nam. Khẳng định bao thanh toán là ngành kinh doanh lớn với giá trị toàn cầu lên đến 3,7 nghìn tỷ euro, bà Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ Quản lý Chương trình Phát triển Cơ sở hạ tầng Tài chính Việt Nam và Campuchia, Nhóm tư vấn các Định chế Tài chính của IFC cho rằng Việt Nam chưa có các biện pháp cụ thể như kết nối doanh nghiệp lõi tiềm năng với các tổ chức cho vay, thúc đẩy bên mua tích cực tham gia vào bao thanh toán.
Trong khi đó, ông Peter Brinsley, Giám đốc và người sáng lập Point Forward, Chuyên gia tư vấn IFC thì cho rằng hoạt động bao thanh toán tại những thị trường non trẻ như Việt Nam chưa được hiểu rõ bởi cả 3 bên gồm bán hàng - tòa án - bộ phận tín dụng của Ngân hàng.
Cụ thể, ông Peter Brinsley phân tích, đang có nhiều thách thức trong việc thuyết phục bên bán hàng về bao thanh toán để bên bán hàng trở thành khách hàng của hoạt động này.
Đối với tòa án, ông Peter Brinsley đặt câu hỏi: "Liệu có thể dựa vào hệ thống pháp luật để hỗ trợ các quyền được thừa nhận của mình trong vai trò là đơn vị hỗ trợ bao thanh toán không?".
Đối với bộ phận tín dụng của ngân hàng, họ sẽ từ chối hoạt động bao thanh toán vì họ thường áp dụng các nguyên tắc cho vay của ngân hàng và chỉ đánh giá hạn mức bao thanh toán đề xuất dựa trên bảng cân đối kế toán của bên bán hàng và khả năng trả nợ vay.
Để phát triển thị trường bao thanh toán, Giám đốc Point Forward cho rằng cần tìm kiếm khách hàng mới (tức bên bán hàng). Để làm được điều đó, cần tận dụng cơ sở dữ liệu khách hàng hiện tại của ngân hàng hoặc thông qua các Hiệp hội Thương mại; thông qua bên môi giới...
"Thị trường mục tiêu của bao thanh toán là doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi đây là đối tượng thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài trợ. Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp đến 50% GDP", ông Peter Brinsley nhấn mạnh.